Vụ ngộ độc do ăn bánh mì tại Đồng Nai: Số ca nhập viện lên tới 469 người
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Long Khánh.
Tập trung điều trị các ca bệnh
Tính đến trưa ngày 3/5, các bệnh viện tại thành phố Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai)
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, cấp toa thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà là 96 ca, chuyển viện 11 ca.
Hiện tại, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này đều ổn định. Bệnh viện vẫn đang tiếp nhận bệnh nhân vào viện nhưng không ồ ạt. Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.
Trong đó, có 321 ca đang điều trị tại Bệnh viện Long Khánh, 19 ca xuất viện, cấp 96 toa thuốc, tất cả các ca bệnh sức khỏe cơ bản ổn, không có ca nặng.
Ngoài ra, có 12 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Trong số 12 ca này có 2 ca rất nặng, phải thở máy, lọc máu và hiện tại huyết động đang tạm ổn; 1 ca bị sốc và các ca còn lại tương đối ổn, diễn tiến bệnh đang khá hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh viện đã tập trung đầy đủ máy móc, trang thiết bị cần thiết, thuốc, tăng cường nhân lực trực ở Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Tiêu hóa để sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân.
Như tin đã đưa, trước đó vào ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 73 trường hợp đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng.
Những người này chủ yếu mua bánh mì từ khung giờ chiều tới tối, sau khi ăn đến nửa đêm ngày 30/4, rạng sáng ngày 1/5 xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói… nên được đưa đến nhập viện bắt đầu từ sáng ngày 1/5.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận định, dù số ca nghi ngộ độc đang tăng nhưng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau khi nhập viện.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã lập thêm 1 đơn vị cấp cứu và điều trị ngộ độc với quy mô 70 giường bệnh để tập trung tiếp nhận và điều trị các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm từ ngày 2-5, do đó, không quá tải.
Các y, bác sĩ của bệnh viện vẫn làm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho những nạn nhân của vụ việc này.
Ủy ban tỉnh yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm
Sáng ngày 3/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Văn bản số 4742/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các địa phương và các cơ sở y tế cần khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Long Khánh từ ngày 1/5 đến nay.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BVĐK Cao su Đồng Nai, BVĐK khu vực Long Khánh và các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng y, bác sĩ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế để cứu chữa kịp thời các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Ngoài ra, các cơ quan liên quan như: Công an, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khẩn trương làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần phối hợp các sở, ngành chức năng để tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, nhất là cơ sở kinh doanh thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không để xảy ra các vụ việc tương tự.