Vụ người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh bị bắt: Bài học rút ra từ nhiều góc nhìn
Những hình ảnh người mẫu diễn viên Ngọc Trinh lái moto phân khối lớn lan truyền trên mạng vốn đã gây sức hút lớn, nhưng khi báo chí đăng tải thông tin người mẫu, diễn viên này bị bắt về hành vi ấy, thì cộng đồng 'tá hỏa', bởi không ít người nghĩ, đó là hành động 'chơi ngông', hoặc có vi phạm thì chỉ phạt hành chính…
Người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh bị bắt: Mạng xã hội "bình" muôn hình vạn trạng
Vụ việc người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh bị bắt hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Vốn là người nổi tiếng, nên hành động và phát ngôn của cô người mẫu này có sức hút lớn, nên khi vụ việc Ngọc Trinh lái moto lan truyền trên mạng – thì khen có, chê có, chửi cũng có. Tuy nhiên, có lẽ ai cũng nghĩ đó là chuyện "thường ngày", nhất là người đó lại trong giới nghệ sĩ vốn hay bị gán thích dùng chiêu trò đánh bóng tên tuổi.
Chính vì vậy, ban đầu mạng xã hội ngập tràn những bình luận khen người mẫu lái moto "đầy chất chơi", "đường cong hút mắt", "ngầu lòi", "có tiền làm được mọi thứ", thậm chí cũng có người cho rằng hành vi dang tay khi đang chạy xe là vi phạm, nhưng nếu có bị xử lý thì chỉ cần nộp phạt… là xong.
Đến khi Ngọc Trinh bị bắt, mạng xã hội tiếp tục phủ đầy từ khóa "Ngọc Trinh", nhưng lúc này những bình luận đã tập trung hơn đến góc độ giáo dục, "ngộ" rõ hơn về cách sống, ý thức và nhận thức về việc tuân thủ pháp luật.
"Bắt cũng không oan. Đó là cảnh báo cho những người mẫu, nghệ sĩ bịt mắt che tai để kiếm tiền bằng mọi giá!"; "Bắt người nổi tiếng mới có sự răn đe. Trong trường hợp này cảnh tỉnh cho các bạn hay sống ảo"; "Tất cả nhằm mục đích cảnh tỉnh cho xã hội về các hành vi lệch chuẩn gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ mới lớn"; "Lời cảnh tỉnh cho hành vi coi thường pháp luật", "Bài học đắt giá cho những người coi thường pháp luật"…
Và không ít bình luận đã đi vào vấn đề nhức nhối trong xã hội, đó là cảnh báo về mức độ lan tỏa tiêu cực đến giới trẻ từ hành vi của nữ người mẫu này.
Nick Hoa Thuy cho rằng: "Trinh luôn tạo trend về lối sống hưởng thụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân mà quên/mờ nhạt trách nhiệm/nghĩa vụ cộng đồng".
Nick Thoa Le bình luận: "Ngông cuồng như vậy nguy hiểm cho giới trẻ".
Không ít người còn lo ngại: "Nếu bạn có con đang học cấp 2,3 thì bạn sẽ thấy sự tác động này 'nguy hiểm' như thế nào"…
Người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh bị bắt: Không nên soi một tấm gương xấu
Trong thế giới phẳng hiện nay, việc nắm bắt từ chân tơ kẽ tóc của Idol (thần tượng) thông qua mạng xã hội đã giúp cho các bạn trẻ nắm bắt rõ được những hành vi và hành động cả tích cực lẫn tiêu cực của Idol. Thực tế, các bạn trẻ lựa chọn Idol cho mình thường trên tinh thần "Idol như thế nào thì Fan như thế".
Trong bối cảnh mạng xã hội là môi trường mở, các thông tin, hình ảnh được đăng tải sẽ không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rất nhanh chóng trên phạm vi rộng lớn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, nhất là trẻ em - những đối tượng rất đam mê sử dụng mạng xã hội nhưng cũng rất dễ bị "tổn thương", bị tác động tiêu cực bởi các thông tin, hình ảnh xấu độc trên không gian mạng.
Minh Uyên, một cô bé tuổi teen (Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn hâm mộ cuồng nhiệt nhóm nhạc Hàn BlackPink, Minh Uyên chia sẻ đại ý: Fan cần học hỏi ở thần tượng của mình ở góc độ tài năng, đã đam mê là theo đuổi, đã theo đuổi là nỗ lực để thành công, để thể hiện tài năng, để được mọi người, thậm chí, toàn thế giới yêu thích. Theo cô bé, Idol chính là một tấm gương cho Fan nhìn vào học hỏi, phấn đấu để tỏa sáng.
Trở lại với Ngọc Trinh - người có "rừng fan" trên mạng xã hội, hẳn sẽ có không ít những người hâm mộ, ngưỡng mộ, coi là Idol, "soi" và học phong cách sống của Idol này. Chỉ riêng vụ việc Ngọc Trinh lái moto phân khối lớn, theo liệt kê của cơ quan chức năng: với 5 video của Trinh trên TikTok Ngoc Trinh, nhận 478.000 like; 4.881 lượt bình luận; 9.848 lượt lưu và 5.787 lượt share. Trên Face cá nhân: 5.900 lượt tương tác, 438 lượt bình luận. Trên Fanpage Facebook NGỌC TRINH riêng đoạn video ngã cũng có tới 2,7 triệu like. Các video này đã lan truyền trên không gian mạng với hơn 240 bài post trên Facebook, hơn 650 bài viết trên website; hơn 3.000 video liên quan trên YouTube. Đủ hiểu sức lan tỏa của cô người mẫu, diễn viên này trên cộng đồng mạng rộng như thế nào.
Trong thế giới mạng, ở vị trí một KOLs (những người có ảnh hưởng lên cộng đồng mạng) thì ngoài những KOLs có trách nhiệm, có vai trò ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, cũng có không ít người đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để có những hành vi ảnh hưởng đến an ninh trật tự… Ngọc Trinh – trong sự việc này, là một ví dụ như thế.
KOLs mang tên Đào Tuấn đã nhận định về hành vi của Ngọc Trinh như sau: "Việc đăng tải, phát tán những video clip này chính là hành vi gây đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội (chứ không phải hành vi lái xe moto phân khối lớn không bằng lái đã bị xử lý hành chính trước đó). Câu chuyện của Trinh, trong việc cụ thể này thật sự là một cảnh báo. Rằng mạng không hề là ảo".
Như đã nói, trong thế giới phẳng, thế giới không khoảng cách thì việc nắm thông tin và ảnh hưởng bởi thông tin cũng rất nhanh. Những người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng rất dễ dàng tạo ra các tác động lớn đối với xã hội, kể cả tích cực, lẫn tiêu cực.
Cô giáo Hằng Nga (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) cho rằng: "Ngọc Trinh đăng tải hình ảnh lái xe moto phân khối lớn phủ đầy các nền tảng mạng xã hội nhằm thể hiện quá trình lái mô tô ngầu đét đầy chất chơi của mình, qua đó, không ít những bạn trẻ, người hâm mộ Ngọc Trinh phấn khích khi được xem người đẹp điều khiển, tạo dáng trên xe phân khối lớn một cách điệu nghệ, thần thái... Tuy nhiên, đằng sau đó, là một hệ lụy khó lường, bởi ở vị trí một người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng thì hành động theo sở thích, đầy sự ngẫu hứng (lái xe phân khối lớn khi chưa được cấp phép) của Ngọc Trinh trở thành một tấm gương xấu về việc coi thường luật pháp, lối sống... tác động tiêu cực đến giới trẻ".
Lo ngại của cô giáo Nga là chính đáng. Đây cũng là lo ngại của không ít người, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Chính vì vậy, theo cô giáo Nga, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội tác động vào giới trẻ, thì vẫn còn nhiều kênh tác động khác để giúp các bạn nắm bắt thông tin, định hướng đúng hành vi và hành động cho mình. Như ở nhà trường, luôn chú trọng phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho sinh viên thông qua các kênh website, phát thanh, bảng tin, các câu lạc bộ tự quản… Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị trong ngành, các phường/quận tổ chức các hoạt động người tốt việc tốt nhằm lan tỏa những hành vi tích cực trong xã hội.
Đặt câu hỏi với Minh Uyên: "Trong vụ việc của người mẫu Ngọc Trinh, giả dụ, đó là Idol của con, con nghĩ gì?", cô bé trả lời rất tự tin: "Có rất nhiều cách để cảm nhận, lắng nghe, thấu hiểu về Idol của mình. Cũng có nhiều kênh để giúp tụi con nắm bắt được điều gì là nên, là đừng, ví dụ như từ gia đình, nhà trường, bạn bè và mọi người xung quanh. Con nghĩ, dù Idol của mình như thế nào, thì quan trọng là chính bản thân mình phải ngộ ra rằng: không nên soi một tấm gương xấu".
Người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh bị bắt: Đừng đề cao cá nhân mà quên đi nghĩa vụ cộng đồng
Một giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I cũng có con đang độ tuổi trưởng thành, chia sẻ: "Các bậc phụ huynh cần đồng hành với con mình, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ con định hướng lối sống tốt, tích cực. Hiện lớp trẻ quá chú trọng đề cao giá trị cá nhân mà quên đi nghĩa vụ cộng đồng. Mỗi người, cùng với quyền tự do cá nhân còn có trách nhiệm với xã hội – đó là nghĩa vụ công dân. Lớp trẻ không thể quá đề cao cá nhân, chạy theo lối sống thực dụng mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng".
Giảng viên này cũng bày tỏ quan điểm trước thực trạng nhiều ý kiến cho rằng việc bắt người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh là "không đáng", theo đó, mỗi công dân có quyền tự do cá nhân, có quyền lựa chọn lối sống, phong cách, tư duy và hành xử riêng biệt nhưng điều ấy cần đặt trong chuẩn mực chung của xã hội mà trước hết là sự tôn trọng pháp luật (thượng tôn pháp luật). Sự tự do của mỗi công dân cần được giới hạn trong trường hợp luật định, đó là vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng – điều này đã được ghi rõ tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng".
Xung quanh các ý kiến về việc bắt người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, theo phân tích của một luật sư, vụ việc cho thấy không ít người hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Cụ thể, nếu Ngọc Trinh hiểu biết pháp luật, ý thức được việc ngồi trên xe khi chưa có bằng lái, xe đó mang giấy tờ giả, "biểu diễn" xe phân khối lớn trên đường dân sinh, đăng tải video về hành vi này lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến cộng đồng đồng - dẫn đến bị khởi tố, tạm giam, thậm chí hành vi có thể dẫn đến việc vào tù - thì chắc hẳn cô người mẫu, diễn viên này hay bất kỳ ai đều không bao giờ làm.
Trong khi đó, những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường bị "để ý", bị "soi" – nên cần cẩn trọng, cần tham vấn những người có hiểu biết về pháp luật trước khi hành động một việc gì đó mà cá nhân họ cho rằng không vi phạm gì.
Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trao đổi trên VOV cho rằng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình giải quyết vụ án. Những nội dung khách quan của vụ án và trách nhiệm pháp lý của các bị can là như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, luật sư Nguyễn Đức Hùng lưu ý, mọi người nên có sự thận trọng, suy nghĩ kỹ lưỡng, có tinh thần trách nhiệm xã hội khi đăng tải các thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với những người nổi tiếng, những người của công chúng, có lượng người theo dõi và tương tác lớn. Cùng với đó, những người thực hiện các hành vi trái pháp luật, đăng tải các thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật thì đều có thể bị xử lý và phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật.