Vũ 'nhôm' cao tay thế nào...thâu tóm 21 nhà đất công, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ?
Lợi dụng mối quan hệ thân quen với các lãnh đạo nắm bắt quy hoạch dự án, tác động họ giúp đỡ, thỏa thuận với GĐ một số công ty để mua nhà công sản, Vũ 'nhôm' đã trục lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Chiều 2/1, tại phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 bị cáo trong vụ án bán đất công sản tại TP Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") gây thất thoát cho nhà nước lên đến 22.000 tỷ đồng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tiếp tục công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang.
Nắm bắt quy hoạch dự án từ mối quan hệ thân quen với lãnh đạo
Theo cáo trạng, Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các đồng phạm vì những động cơ khác nhau đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014, giúp cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Đáng chú ý, bị cáo Trần Văn Minh đã ký nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhiều dự án bất động sản và nhà, đất công sản tại những vị trí thuận lợi, có giá trị sinh lợi cao tại thành phố Đà Nẵng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Cáo trạng xác định, tại 6/7 dự án bất động sản, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, để chủ động nắm bắt thông tin quy hoạch về các dự án đất của UBND thành phố Đà Nẵng, đặc biệt tại các vị trí ven biển.
Sau đó, Vũ “nhôm” liên hệ, đề nghị Trần Văn Minh (khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và Văn Hữu Chiến (khi đó là PCT UBND TP Đà Nẵng) chỉ đạo các bị cáo là cán bộ cấp dưới tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ giúp Vũ được nhận quyền sử dụng đất các dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm đó, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở, trái với quy định của pháp luật và Nhà nước.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi của các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 19 nghìn tỷ đồng.
Tại 15/22 nhà, đất công sản, Phan Văn Anh Vũ và các công ty do Vũ đứng ra thành lập, góp vốn và điều hành không phải là đối tượng được mua nhà công sản theo Nghị định số 61/CP của Chính phủ, nhưng bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc, thỏa thuận với Giám đốc một số công ty (là các đơn vị thuộc diện đối tượng được mua chỉ định nhà đất theo quy định) để đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.
Sau đó, các bị cáo này đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất được mua sang cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hoặc công ty, người thân của bị cáo Phan Văn Anh Vũ với lý do các đơn vị, cá nhân này là người nộp tiền mua nhà và sau đó ăn chia lợi ích với nhau.
Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã đồng ý về chủ trương và chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tham mưu, đề xuất, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật của Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Hành vi của các bị cáo đã cùng nhau cố ý thực hiện việc mua, bán nhà, đất công sản trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tại 22 nhà, đất công sản tổng số tiền hơn 2.422 tỷ đồng.
Cáo trạng kết luận, số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.422 tỷ đồng; tại 7 dự án là trên 19.625 tỷ đồng. Tổng số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng.
Trục lợi tại 4 dự án bất động sản, nhà nước đã thiệt hại hơn 18,2 nghìn tỷ đồng
Theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, Phan Văn Anh Vũ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan tố tụng đủ cơ sở xác định, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh ký ban hành với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng để trục lợi.
Kết quả điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Phan Văn Anh Vũ với Trần Văn Minh và các đồng phạm khác để giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ nhưng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định, trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, Phan Văn Anh Vũ đã thành lập 5 Công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các Công ty này thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đáng chú ý, dù biết rõ việc này nhưng Trần Văn Minh vẫn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản và các dự án đất không qua đấu giá hoặc áp dụng đơn giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND TP Đà Nẵng quy định cho Phan Văn Anh Vũ.
Các bị cáo trong vụ án này cũng biết được chủ trương của Trần Văn Minh trong việc làm các thủ tục để bán nhà, nhà đất công sản và chuyển quyền sử dụng đất cho Phan Văn Anh Vũ là không đúng quy định, tuy nhiên, liên tục trong thời gian dài, Phan Văn Anh Vũ đã tác động thông qua hành vi ký các Tờ trình, nộp tiền đặt cọc trước khi có các Quyết định cho phép bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất để hoàn thành hồ sơ pháp lý tạo điều kiện cho Vũ trục lợi tại 4 dự án bất động sản, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 18,2 nghìn tỷ đồng.
Đối với nhà, đất công sản, Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi trực tiếp tại 15/22 nhà, đất công sản trong vụ án này, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.
Hành vi của Phan Văn Anh Vũ phạm vào các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cơ quan tố tụng xác định, Vũ phải chịu trách nhiệm chính, cùng Trần Văn Minh và các bị cáo khác liên đới bồi thường cho Nhà nước về hậu quả thiệt hại gây ra.
Mời độc giả xem video Vũ "nhôm" trả lời rành rọt trước tòa về 3 bản án: