Vũ 'nhôm': Có hoàn cảnh nào đáng thương như bị cáo không?
Được tự bào chữa, Vũ nhôm cho rằng thành lập Công ty Bắc Nam 79 có sự đóng góp của Cục B61 Bộ Công an và Công an Đà Nẵng nhưng chỉ là vốn ảo, lúc khó khăn Vũ đề nghị lãnh đạo tổng cục đóng góp nhưng bị từ chối
Ngày 12-6, TAND Cấp cao tiếp tục bước sang phần tranh luận đối với phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ "nhôm"; nguyên thượng tá, phó Phòng Biệt phái, Tổng cục V, Bộ Công an) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản tại TP HCM và Đà Nẵng.
Được tự bào chữa, Vũ "nhôm" cho rằng mình vô tội vì không có quyền hạn; bản thân chỉ được bổ nhiệm phó phòng vào năm 2016 nhưng các hoạt động mua bán đất diễn ra trước đó. Ngoài ra, Công ty Bắc Nam 79 có 3 cổ đông gồm: Vũ, Hoàng Hữu Thân (bí danh của bị cáo Phan Hữu Tuấn, nguyên trung tướng, nguyên tổng cục phó Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Quang Ngọc (tên giả của trưởng Phòng Tình báo Công an TP Đà Nẵng). "Luật Doanh nghiệp quy định sĩ quan công an không được thành lập, điều hành doanh nghiệp nhưng tình báo có đặc thù riêng. Các anh Tuấn, anh Hùng đã lấy tên khác để thành lập công ty nên đúng luật" - bị cáo nói.
Về vấn đề Công ty Bắc Nam 79 được Vũ góp 70% vốn, Cục B61 (thuộc Tổng cục V) 20%, Công an TP Đà Nẵng 10% nhưng là vốn ảo, Vũ "nhôm" cho rằng từng nhiều lần đề nghị B61 góp vốn, nhất là khi bản thân khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục V từ chối, nói đơn vị không góp vốn nên bản thân bị cáo đã phải tự xoay sở. "HĐXX thấy có hoàn cảnh nào ra đời đáng thương như bị cáo không? Nếu tiền là Tổng cục V cấp không nói nhưng đó là tiền của bị cáo, nếu làm được thì thắng, lỗ phải mất. Bị cáo không lợi dụng Tổng cục V mà được giao phát triển vỏ bọc, kinh tế rồi Tổng cục V mới đưa người, máy móc vào hoạt động nghiệp vụ" - bị cáo Vũ tự bào chữa.
Theo Vũ "nhôm", do góp vốn hoàn toàn là tiền của bị cáo nên việc chuyển quyền sử dụng đất từ pháp nhân công ty sang cá nhân mình là đúng. Nếu bị cáo có chủ đích lợi dụng Bộ Công an thì không cần sang tên vì công ty với bị cáo là một.
Vũ "nhôm" cũng phân tích thêm việc mua bán đất trong vụ án là giữa các pháp nhân với nhau nên nếu có sai, phải xử lý pháp nhân thay vì xử lý cá nhân Vũ như hiện nay. Nếu có thiệt hại trong việc mua bán, đó là trách nhiệm của bên bán còn công ty của Vũ chỉ biết đáp ứng đủ yêu cầu của bên bán. "Nếu quy trách nhiệm cho người mua, giờ vợ bị cáo cũng có thể kiện bên bán vì ông không bán, chồng tôi không phải đi tù. Đây là nỗi oan" - bị cáo này nói.
Trước đó cùng ngày, VKSND Cấp cao đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo toàn bộ bản án của Vũ "nhôm". Cụ thể, VKSND cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa cấp sơ thẩm. Bị cáo được tuyển dụng làm tình báo, phó trưởng phòng nhưng lợi dụng công ty bình phong và các văn bản của Bộ Công an để trục lợi khi nhận quản lý, sử dụng 7 lô nhà đất, công sản không qua đấu giá, còn được giảm giá. Hành vi của bị cáo là trái công vụ, trái quy định đất đai về đất công sản nhằm vụ lợi cá nhân.