Vụ nổ động cơ tên lửa Nga: Những nghi ngờ chưa có lời giải
Tập đoàn nguyên tử Rosatom của Nga hôm 10-8 vừa qua xác nhận đã xảy ra một vụ nổ trong quá trình thử động cơ tên lửa tại một căn cứ quân sự ở miền Bắc nước này, khiến 5 nhân viên Rosatom thiệt mạng, đồng thời TP Severodvinsk gần đó đã ghi nhận tình trạng mức độ phóng xạ gia tăng khi động cơ tên lửa phát nổ tại bãi thử. Các chuyên gia hạt nhân Mỹ nghi ngờ rằng vụ nổ xuất phát từ quá trình thử nghiệm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Tổng thống Vladimir Putin hé lộ hồi năm 2018.
Lời giải thích của Nga
Truyền thông Nga dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng nước này cho biết 2 người thiệt mạng trong vụ nổ "một động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng" ở bãi thử Arkhangelsk, song không rõ 2 người này có nằm trong số 5 người thiệt mạng nói trên hay không. Bộ Quốc phòng khẳng định mức độ phóng xạ ở tình trạng "bình thường" sau vụ nổ.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của TP Severodvinsk 185.000 dân, gần bãi thử Arkhangelsk, phát biểu trong một thông cáo đăng trên trang mạng của TP rằng, đã ghi nhận một đợt tăng bức xạ đột biến "ngắn hạn" trong khu vực. Tuyên bố này không còn trên trang mạng vào ngày 9-8.
Giới chức Nga chưa công bố thêm chi tiết về vụ nổ tại bãi thử gần thị trấn Nyonoksa gần Biển Trắng, nơi từng được sử dụng để thử nghiệm tên lửa triển khai cho các tàu và tàu ngầm hạt nhân của Nga từ thời Liên Xô.
Nghi ngờ của chuyên gia Mỹ
Nhận định về vụ nổ trên, hai chuyên gia Mỹ cho rằng, một vụ nổ động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng sẽ không giải phóng bức xạ. Họ nghi ngờ vụ nổ này xuất phát từ quá trình thử nghiệm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân tại một cơ sở bên ngoài làng Nyonoksa. Ông Ankit Panda, một thành viên cao cấp của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói với hãng tin Reuters: “'Động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng phát nổ thì không phát tán bức xạ và chúng tôi biết rằng Nga đang chế tạo một loại động cơ hạt nhân cho tên lửa hành trình”.
Nga gọi tên lửa này là 9M730 Buresvestnik. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi tên lửa này là SSC-X-9 Skyfall. Một quan chức cao cấp giấu tên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không xác nhận hay phủ nhận rằng một tai nạn liên quan đến tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân đã xảy ra.
Tuy nhiên, ông này bày tỏ hoài nghi sâu sắc về lời giải thích của Moscow: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các sự kiện ở vùng cực Bắc của Nga nhưng việc Moscow đảm bảo rằng “mọi việc đều bình thường” nghe không đáng tin với chúng tôi. Điều này nhắc nhở chúng ta về một chuỗi các sự cố xảy ra từ thời Chernobyl và đặt ra câu hỏi liệu Kremlin có ưu tiên phúc lợi của người dân Nga hơn là duy trì quyền lực hay không”.
Quan chức này đề cập đến vụ nổ năm 1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Moscow khi đó trì hoãn tiết lộ mức độ của vụ tai nạn hạt nhân được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga hồi tháng 3-2018, Tổng thống Putin tự hào khoe về tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng với hàng loạt ca ngợi đối với sự phát triển của những loại vũ khí chiến lược mới của Nga. Tên lửa này, theo ông Putin, đã được thử nghiệm thành công vào cuối năm 2017, có phạm vi không giới hạn và bất khả chiến bại so với tất cả các hệ thống phòng thủ và phòng không tên lửa hiện có và tiềm năng.
Giáo sư Jeffrey Lewis, GĐ Chương trình Không phổ biến Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury cho biết, ông tin rằng một tai nạn đã xảy ra trong quá trình thử tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại và các dữ liệu khác. Sử dụng ảnh vệ tinh, ông và nhóm cộng sự của mình xác định rằng Nga năm 2018 dường như đã tháo dỡ một cơ sở phóng thử tên lửa tại một địa điểm ở Novaya Zemlya và chuyển nó đến căn cứ gần Nyonoksa. Các bức ảnh cho thấy một cơ sở - nơi đặt các tên lửa trước khi phóng - tại Nyonoksa và các đường ray với các kết cấu trông vẻ giống như những thứ được tháo ra từ Novaya Zemlya.
Giáo sư Lewis và nhóm của ông cũng đã kiểm tra các tín hiệu của Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) từ các tàu nằm ngoài khơi cùng ngày với vụ nổ. Họ xác định một con tàu là Serebryanka, một tàu sân bay nhiên liệu hạt nhân mà họ đã theo dõi năm ngoái ngoài khơi Novaya Zemlya. Ông Lewis nói: “Bạn không cần tàu này để thử các tên lửa thông thường. Bạn cần nó khi bạn khôi phục một hệ thống động cơ đẩy hạt nhân từ đáy biển”.
Chuyên gia này lưu ý rằng, các tín hiệu AIS cho thấy tàu Serebryanka được đặt bên trong khu vực "cấm" được xây dựng ngoài khơi một tháng trước khi thử nghiệm. Các tàu không được cấp phép không có quyền vào khu vực này. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tàu Serebryanka nằm trong khu vực cấm mà họ thiết lập... Nó không ở đó một cách tình cờ. Tôi nghĩ rằng họ có lẽ đã ở đó để khôi phục một hệ thống động cơ đẩy hạt nhân ở đáy đại dương”.
Tuy nhiên, ông Lewis không rõ mức độ nguy hại phóng xạ mà vụ nổ nói trên gây ra do không nắm rõ được các thông số kỹ thuật về vụ thử này. Mặc dù vậy, vị giáo sư này lưu ý rằng Mỹ đã tìm cách phát triển động cơ tên lửa hạt nhân trong những năm 1950, vốn đã gây phóng xạ trong quá trình phát triển.