Vụ nợ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng khẳng định hệ thống tính lãi suất không sai?
Một cán bộ ngân hàng Eximbank cho biết, lãi suất tín dụng được tính đúng; phía ngân hàng sẽ tiến hành làm việc với khách hàng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, bảo vệ khách hàng nói riêng và khách hàng sử dụng tín dụng nói chung.
Liên quan đến sự việc khách hàng nợ Eximbank 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, ngày 18/3, từ thông tin liên hệ trên thông cáo báo chí, phóng viên đã liên hệ với cán bộ truyền thông của ngân hàng Eximbank. Trao đổi nhanh với phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), một cán bộ truyền thông ngân hàng Eximbank khẳng định, dự kiến hôm nay (19/3), Eximbank sẽ làm việc với khách hàng P.H.A (ở Quảng Ninh).
Theo người này, ngân hàng đang tìm phương án tốt nhất để giải quyết cho khách hàng, trên cơ sở đồng hành với khách hàng nói riêng và bảo vệ những người dùng thẻ tín dụng nói chung.
"Lãi suất tính trên hệ thống, chúng tôi tính đúng", người này khẳng định và cho biết: "Người dùng thẻ tín dụng đủ các tầng lớp và đủ uy tín, phía ngân hàng mới cấp tín dụng nhưng ít ai biết những quy định khi sử dụng thẻ tín dụng".
"Khi gặp khách hàng, đi đến thỏa thuận với khách, phía ngân hàng sẽ có thông cáo chính thức đến báo chí, dư luận và khách hàng liên quan đến sự việc này", một cán bộ Eximbank cho hay.
Được biết, hôm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã nhận được và đang xem xét báo cáo chi tiết về vụ việc của Eximbank.
Trước đó, thông cáo phát đi ngày 13/3, ngân hàng Eximbank khẳng định, đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Đại diện Eximbank cho biết,khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/03/2013 với hạn mức 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).
Phát sinh 02 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/04/2013 và 26/07/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.
Từ ngày 14/09/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Sau đó,Eximbank đã thực hiện các thủ tục để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A, cụ thể:
Ngày 16/09/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng.
Ngày 19/08/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A.
Ngày 10/05/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Ngày 08/11/2023: Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên về sự việc này, 2 lãnh đạo ngân hàng thương mại quốc doanh đều khẳng định, vụ việc là sự lãng quên vô lý, không có chuyện khoản nợ thẻ tín dụng bị bỏ quên. Trong khi quy trình nhắc nợ, theo dõi khoản vay, bộ phận chăm sóc khách hàng, chăm sóc thẻ visa của các ngân hàng tại Việt Nam đều làm việc và theo dõi khoản vay rất chặt chẽ.
Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo không áp dụng cách tính lãi chồng lãi khi cấp tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, với khoản vay 8,5 triệu đồng lên thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm là bất thường.
Ví dụ, nếu áp dụng mức lãi suất quá hạn thẻ khoảng 20%, tiền lãi phát sinh của các ngân hàng quốc doanh là 18,7 – 18,8 triệu đồng/11 năm (giả định lãi suất không thay đổi qua các thời kỳ). Như vậy, tiền gốc và lãi sau 11 năm mà khách hàng phải trả sẽ hơn 27 triệu đồng.
Nếu áp dụng cách tính lãi kép, khoản nợ gốc 8,5 triệu đồng ước tính chịu lãi suất thẻ 87%/năm, sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính thêm lãi suất này, sau 11 năm, dư nợ khách phải trả là khoảng 8,8 tỷ đồng.
"Việc dẫn đến dư nợ gốc như này, chỉ có thể là ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, thay vì tính lãi theo số nợ gốc chi tiêu ban đầu", người này cho hay.