Vào thời Thế chiến II, cảng Chicago (bang California, Mỹ) được phát triển thành một cơ sở đạn dược khi Kho đạn Hải quân Mỹ tại đảo Mare ở California không còn đáp ứng nổi nhu cầu của cuộc chiến tranh.
Vào tối ngày 17/7/1944, hai tàu buôn SS Quinault Victory và SS E.A. Brya tiến hành chất hàng tại Cảng Chicago. Khoang tàu chứa đầy 4.600 tấn chất dễ phát nổ, gồm bom, thùng nổ sâu và đạn. 400 tấn thuốc nổ khác cũng nằm ở gần đó, trên các toa tàu.
Vào 22h18, một trong số hai tàu này đã phát nổ, kích hoạt một loạt các vụ nổ lớn kéo dài trong vòng vài giây, hủy diệt mọi thứ trong một bán kính rộng lớn. Khi đó, hàng trăm công nhân đã đang làm việc ở cảng.
Vụ nổ kinh hoàng đã khiến mọi tòa nhà trong khu vực cảng Chicago bị hư hại. Nhiều người bị "thổi bay" theo đúng nghĩa đen. Cột khói và lửa từ vụ nổ bốc lên cao đến gần hai dặm.
Một phi công đang bay ở độ cao 2,7 km trong khu vực thuật lại rằng các khối kim loại từ vụ nổ đã bay sượt qua máy bay của anh. Một số nhân chứng ở bang Nevada cho rằng mình cũng nghe thấy tiếng nổ.
Theo thống kê, vụ nổ ở cảng Chicago đã giết chết 332 người. Gần 2/3 số người thiệt mạng tại Cảng Chicago là người Mỹ gốc Phi nhập ngũ trong hải quân, tương đương 15% tổng số người Mỹ gốc Phi thiệt mạng trong Thế chiến II.
Vào thời điểm đó, chiến dịch Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đang diễn ra khẩn trương và người ta cho rằng quy trình kém cỏi và thiếu đào tạo chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa cảng Chicago.
Sau vụ nổ ở cảng Chicago, việc triển khai các quy trình tải đạn đã được thắt chặt để nâng cao an toàn. Việc đào tạo xử lý chất nổ cũng được chú trọng hơn, và các loại đạn cũng được cải tiến để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn cháy nổ.
Ngày nay, một đài tưởng niệm cấp quốc gia đã được dựng lên để ghi nhớ cho các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ năm 1944.
Mời quý độc giả xem video: Vụ nổ tàu ngầm Kursk - Tai nạn thảm khốc nhất của Hải quân Nga.
T.B (tổng hợp)