Vụ nổ súng hàng loạt ở ga tàu điện ngầm gây rúng động New York
Vụ nổ súng tại ga tàu điện ngầm ở Brooklyn sáng 12/4 có thể là lời cảnh báo đối với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại thành phố New York.
“Chúng tôi thấy chiếc xe cứu thương rời khỏi khu vực tàu điện ngầm với một người nằm trên cáng. Tôi không biết rõ những gì đã hoặc đang xảy ra. Sau đó, tôi thấy hai chiếc xe cứu thương với hai người khác bị thương”, Silvana Guerrero, làm việc gần nơi xảy ra vụ nổ súng, nói với New York Times.
Sở Cảnh sát thành phố New York cho biết khoảng 16 người bị thương trong một vụ nổ súng tại ga tàu điện ngầm ở Brooklyn ngày 12/4.
Các báo cáo sơ bộ cho thấy 8 người bị trúng đạn. Cảnh sát đang tìm kiếm một người đàn ông mặc trang phục màu xanh đậm giống nhân viên vận chuyển. Người này khoác bên ngoài một áo bảo hộ lao động màu cam và đeo mặt nạ phòng độc.
Các nhà điều tra tin rằng một quả bom khói đã phát nổ và tay súng bắn từ bên trong một toa tàu điện ngầm. Các video được đăng tải trên phương tiện truyền thông cho thấy hành khách hoảng loạn chạy khỏi chuyến tàu và xuống sân ga ở đường 36 khi khói bốc lên khắp nơi.
Hoảng loạn giữa chuyến tàu
Vụ bạo lực xảy ra trong bối cảnh thành phố New York đang nỗ lực để phục hồi sau đại dịch và xuất hiện nhiều lo ngại về an ninh công cộng.
Một số nguồn tin cho biết một cuộc tranh cãi có thể đã diễn ra trên tàu ngay trước khi tiếng súng nổ ra. Các chuyên gia nhận định rằng vụ nổ súng dường như là một cuộc tấn công được dàn dựng trước, theo NBC.
Một nhân chứng cho biết anh nhìn thấy rất nhiều máu trên sàn nhà và tiếng súng vang lên như pháo hoa. Chuyến tàu đã bị trì hoãn vài phút trước khi đến sân ga đường 36 ở Sunset Park.
“Có rất nhiều máu trên sàn nhà. Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ đây là một vụ nổ súng vì nó nghe giống như pháo hoa. Những gì tôi thấy là mọi người giẫm đạp lên nhau, cố gắng phá cửa tàu ra ngoài và hoảng loạn. Nhưng may mắn thay, đoàn tàu di chuyển nhanh chóng đến điểm dừng tiếp theo và mọi người rời khỏi tàu một cách vội vã”, Yav Montano, nhân chứng của vụ việc, nói.
Patrick Berry nói với New York Times rằng ông và con gái 3 tuổi lên tàu, nhưng tàu không di chuyển.
“Sau đó, đột nhiên tôi nghe thấy mọi người hét lên ‘Chạy, chạy, chạy đi’. Mọi người chạy qua toa tàu của chúng tôi và bắt đầu đẩy từ phía sau. Tôi đã cố gắng giữ lấy con gái và rời khỏi đó”, ông Berry nói.
Cảnh sát đã chặn đường khi người dân đứng thành từng nhóm nhỏ tụ tập trên vỉa hè. Ít nhất 2 chiếc trực thăng tuần tra trên bầu trời. Những phóng viên và nhân viên ứng phó khẩn cấp chờ đợi trước hiện trường vụ án.
Trong số những người trúng đạn, 5 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch, nhưng không ai bị đe dọa tới tính mạng. Đối với những nạn nhân khác, các quan chức cho biết thương tích có thể bắt nguồn từ sự hỗn loạn của đám đông.
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã được thông báo về vụ nổ súng. Ủy viên Sở Cảnh sát New York Keechant Sewell cho biết không có thương tích đe dọa đến tính mạng.
Nhiều tuyến tàu điện ngầm ở Brooklyn và Manhattan đã bị đình chỉ nhằm phục vụ điều tra. Phát ngôn viên của Sở Cảnh sát New York cho biết không có thiết bị nổ nào tại khu vực hiện trường.
Gia tăng bạo lực trong lòng nước Mỹ
Các vụ xả súng hàng loạt ở New York xảy ra thường xuyên. Tuần trước, ba thiếu niên đã bị bắn trong vụ nổ súng bên ngoài một trường trung học tại Bronx. Mùa hè năm ngoái, bốn người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương khi tiếng súng nổ tại một câu lạc bộ ở Brooklyn.
Số vụ xả súng ở thành phố New York đã tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm 2022. Theo thống kê mới nhất của Sở Cảnh sát New York, số vụ nổ súng tăng từ 260 lên 296 so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự gia tăng bạo lực trong đại dịch.
Ba tháng đầu năm nay, thành phố New York cũng chứng kiến số vụ trộm cắp tài sản gia tăng so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Thị trưởng Eric Adams coi việc đảo ngược xu hướng gia tăng số vụ bạo lực là mục tiêu trung tâm trong nhiệm kỳ của ông. Hôm 6/4, Ủy viên Sewell cho biết xu hướng này cho thấy “sự gia tăng bạo lực không thể chấp nhận được trên đường phố New York”.
“Lực lượng cảnh sát New York sẽ sử dụng mọi nguồn lực và cơ hội để bảo vệ thành phố. Tuy nhiên, việc đảo ngược sẽ mất thời gian”, bà Sewell nói. Chỉ riêng trong tháng 3, New York đã thực hiện hơn 4.000 vụ bắt giữ, nhiều gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.
Khi người dân bắt đầu quay trở lại sau đại dịch, New York cũng trở nên nguy hiểm hơn.
Các điểm quá cảnh và đi lại từ lâu đã được coi là mục tiêu có giá trị cao cho các vụ tấn công. Do vậy, các cơ quan thực thi pháp luật tại nước Mỹ duy trì một bộ máy an ninh sâu rộng nhằm ngăn chặn các nguy cơ bạo lực tiềm tàng.
Hệ thống tàu điện ngầm của New York phải vật lộn với tỷ lệ tội phạm tăng cao và tình trạng hỗn loạn. Điều này thách thức những nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm thu hút hành khách quay trở lại sau đại dịch.
New York Times cho biết tỷ lệ tội phạm bạo lực trong tàu điện ngầm trên một triệu hành khách trong năm 2021 chạm mốc trước đại dịch. Các vụ tấn công nghiêm trọng đã tăng gần 25%.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Giao thông Đô thị, nỗi sợ tội phạm và quấy rối là yếu tố hàng đầu khiến người dân từ bỏ tàu điện ngầm. Sự hỗn loạn trong tàu điện ngầm gợi nhớ đến một loạt nỗi sợ hãi khác xảy ra tại thành phố New York trong những năm gần đây.
Vào tháng 12/2017, một kẻ đánh bom tự sát đã cố gắng kích nổ một thiết bị nổ tự chế tại một ga tàu điện ngầm. Cuộc tấn công khiến hoạt động vận tải trong thành phố bị gián đoạn và 4 người bị thương. Hai tháng trước đó, một người đàn ông đã đâm xe vào đám đông, cướp đi sinh mạng 8 người và bị thương 11 người.
Tuy nhiên, thành phố vẫn an toàn hơn so với những năm trước. Tỷ lệ tội phạm tại New York thấp hơn nhiều so với các thành phố khác tại nước Mỹ. Ngay cả với sự gia tăng gần đây, tỷ lệ các vụ nổ súng và tấn công thấp hơn so với cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010.