Vụ 'nói xấu' lãnh đạo tỉnh Quảng Trị: Bị cáo phản cung, luật sư nói khó kết tội
Cũng như phiên tòa được mở trước đó, tại phần xét hỏi, cả 3 bị cáo Dũng, Thi và Huy đều thay đổi lời khai so với trình bày tại cơ quan điều tra.
Chiều 30/3, TAND tỉnh Quảng Trị tiếp tục phiên xét xử với phần xét hỏi 3 bị cáo Lê Anh Dũng (SN 1965; nghề nghiệp kinh doanh; trú tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Phan Bùi Bảo Thi (SN 1971; nghề nghiệp nhà báo; trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Huy (SN 1977; Công an tỉnh Quảng Trị; hiện trú tại phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) trong vụ án dùng mạng xã hội nói xấu các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Tại phiên tòa, cả 3 bị cáo cùng với người có nghĩa vụ liên quan đều không đồng tình với nội dung cáo trạng mà VKSND tỉnh Quảng Trị đã truy tố. Đồng thời, phủ nhận các bản cung đã khai tại cơ quan điều tra vì cho rằng thời điểm bị bắt giáp Tết nên chỉ mong khai cho xong để sớm về đoàn tụ với gia đình nên nhiều thông tin không nhớ kĩ. Hơn nữa lại bị bắt bất ngờ nên tâm lý hoảng loạn, đồng thời đã bị điều tra viên dẫn dắt dẫn đến lời khai không chính xác. Vì thế, đề nghị HĐXX lấy lời khai tại tòa của các bị cáo làm căn cứ.
Bị cáo Dũng chỉ thừa nhận bản thân có chuyển các bài viết cho facebook Thu Hà và 2 fanpage QUẢNG TRỊ 357, Quảng Trị 357. Tuy nhiên, việc chuyển các bài viết này chỉ là nhắn tin riêng tư, nhằm mục đích khoe, không hề nhắn gửi yêu cầu đăng các bài này lên mạng xã hội. Bị cáo cũng không phải là người quản trị và cũng không có quyền trong các trang facebook này.
Bị cáo Thi không đồng ý với kết luận giám định của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, cũng như kết luận trong cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị. Theo bị cáo Thi, bản giám định này không đúng với bản chất sự việc; những bài viết của bị cáo không bôi nhọ, xúc phạm, xuyên tạc, xâm phạm đến uy tín của ai như các cáo buộc trong kết luận. Đối với bản cáo trạng, bị cáo Thi cho rằng bản cáo trạng này không đúng với bản chất của vụ việc mà mình bị khởi tố.
Những bài viết của bị cáo được thu thập từ nhiều nguồn tin, từ các bài báo đăng tải trên các tờ báo chính thống, hay thông tin từ các bạn bè... Thông tin nào đã được kiểm chứng, xác minh thì bị cáo viết để đăng báo. Còn bài viết nào chưa xác minh thì bị cáo chỉ gửi qua cho bị cáo Dũng đọc cho vui, trong đó có bài viết được đặt tiêu đề, có bài thì không có tiêu đề, và bị cáo cũng không gửi kèm bất kì hình ảnh liên quan cũng như nhắn tin yêu cầu đăng tải các thông tin lên mạng xã hội. Bị cáo hoàn toàn không biết ai đã gửi các tin nhắn của mình cho các Facebook và fanpage này đăng tải lại.
Bị cáo Huy cho rằng, giữa bị cáo và bị cáo Dũng thân quen nhau nên nhắn tin trao đổi với nhau, bị cáo cũng không biết tin nhắn đó được chuyển đi cho ai.
Cả 2/7 cán bộ công an được xác định có trao đổi, cung cấp thông tin nội bộ cho các bị cáo là bà Dương Thị Anh Tài và Nguyễn Thị Tuyết Mai có mặt tại phiên tòa cũng phản ứng với kết luật của cơ quan điều tra. Hai người này cho rằng các tin nhắn của mình với các bị cáo chỉ là tâm sự riêng tư khi bản thân gặp hoạn nạn, không nhằm cung cấp thông tin để viết bài.
Hai luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng và Thi cho rằng, thông tin mà bị cáo Dũng và Thi nhắn qua lại chỉ là tin nhắn riêng tư, các bị cáo cũng không tự đăng trực tiếp bài viết lên mạng xã hội nên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin này. Đồng thời, đề nghị HĐXX cần phân tích rõ nội dung 79 bài viết được đăng tải trên các facebook, fanpage xem nội dung này có phải xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, cá nhân lãnh đạo tỉnh hay không.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phiên làm việc vào ngày mai, 31/3.
Phạm Quyên