Vụ nữ sinh bó bột dẫn đến bị cưa chân: Bác sĩ chuyên môn nói gì?
Trường hợp đáng tiếc của nữ sinh Hà Vi cho thấy trình độ chuyên môn yếu kém của y tế cơ sở.
Những ngày qua, câu chuyện đau lòng của nữ sinh Lê Thị Hà Vi, 16 tuổi ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị cưa chân khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm. Vì sao chỉ một kỹ thuật y khoa đơn giản như bó bột lại có thể dẫn đến một kết cục thương tâm như vậy?
Đã quá trễ để cứu chân phải nữ sinh!
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lúc 20h ngày 11/3 và được phẫu thuật sau đó một ngày, nhưng các bác sĩ đã không thể cứu được chân phải của em. Dưới cái nhìn y khoa, các bác sĩ chuyên ngành chấn thương chỉnh hình chung một nhận định: đã quá trễ để có thể cứu được chân cho em.
Bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân than đau nhiều ở chân phải. Một số cảm giác thì yếu, một số cảm giác thì mất. Vận động các ngón chân cũng yếu. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy mâm chày phải, theo dõi chèn ép khoang. Chân bệnh nhân bị nổi nhiều bóng nước. Chụp phim mạch máu chân phải cho kết quả bị tắc động mạch cẳng chân phải”.
Từ các dấu hiệu lâm sàng cũng như từ các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, khi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì chân của Hà Vi đã bị hoại tử do tắc động mạch. Nguyên nhân được Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán là chèn ép khoang ở khớp gối.
Bác sĩ Nguyễn Thành Chơn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Saigon-ITO Phú Nhuận lí giải: “Khi bị gãy xương, máu từ xương tiếp tục chảy ra. Càng ngày số lượng càng tăng lên sẽ gây nên hiện tượng chèn ép khoang, như nước vỡ bờ. Bệnh nhân sẽ có hiện tượng đau dữ dội, không phải do bó bột đau mà chính là áp lực do máu chảy ra gây ra đau. Khi áp lực quá tăng, sẽ chèn ép ngược lại mạch máu khiến cho việc lưu thông máu xuống chân không được nữa”.
Phân tích của các bác sĩ gần như trùng hợp với những triệu chứng của nữ sinh Hà Vi sau khi được Bệnh viện huyện Cư Kuin bó bột vào ngày 6/3. Theo lời kể của mẹ nữ sinh này thì sau khi bó bột, em bị đau đớn dữ dội. Cơn đau càng ngày càng tăng đến mức phải nhờ chích thuốc giảm đau nhưng vẫn không thuyên giảm.
Đến ngày 8/3, nữ sinh được Bệnh viện Cư Kuin đưa vào phòng mổ để chuẩn bị thực hiện phẫu thuật gãy mâm chày. Tuy nhiên, sau khi tháo bột, các bác sĩ tại Bệnh viện Cư Kuin đã không phát hiện ra tình trạng chèn ép khoang dù lúc này chân phải của bệnh nhân đã có những biểu hiện hoại tử do tắc động mạch như nổi bóng nước, tím tái ở các ngón chân.
Theo phân tích của một số bác sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần có những triệu chứng về tưới máu ngoại vi bị giảm như bàn chân lạnh, mạch máu yếu thì đã phải chuyển viện gấp. Trong khi đó, sau khi nhận thấy chân phải của nữ sinh Hà Vi sưng to không thể tiến hành phẫu thuật, Bệnh viện huyện Cư Kuin tiếp tục cho em nằm viện. Mãi đến ngày 11/3, tức là đến ngày thứ 6 kể từ lúc nhập viện, khi bàn chân của nữ sinh đã bị tím tái nhiều, người nhà xin chuyển viện lên tuyến trên thì đã quá trễ.
Do trình độ yếu kém của bác sĩ tuyến dưới
Vì sao tình trạng gãy mâm chày - một vị trí ở đầu xương cẳng chân, nằm sát đầu gối, lại có thể dẫn đến tình trạng hoại tử khi bó bột? Theo một số bác sĩ, tổn thương ở khu vực khớp gối có nguy cơ rất cao dẫn đến tổn thương các mạch máu. Khi một bệnh nhân bị tổn thương gối thì phải nghĩ ngay đến tình trạng chèn ép khoang hoặc tắc động mạch khoeo ngay lập tức. Đặc biệt, khi bị tắc động mạch khoeo thì nguy cơ hoại tử rất cao và rất nhanh, chỉ sau đó khoảng 6 giờ đồng hồ.
Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Phó Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Trường hợp bệnh nhân bị gãy mâm chày thì nên nẹp bột chứ đừng bó bột tròn. Bó bột tròn hết sức nguy hiểm. Phải theo dõi sát tình trạng chèn ép khoang và tổn thương động mạch khoeo dựa vào những dấu hiệu tưới máu ngoại vi, cũng như tình trạng sưng đau một cách tự nhiên ở vùng đầu gối hoặc cẳng chân. Khi có dấu hiệu tắc động mạch thì phải chuyển viện ngay, vì tại bệnh viện tuyến huyện không thể nào xử lí tình trạng chèn ép khoang hay tổn thương động mạch khoeo”.
Trường hợp đáng tiếc của nữ sinh Hà Vi cho thấy trình độ chuyên môn yếu kém của y tế cơ sở. Việc lưu ý tình trạng chèn ép khoang và tắc động mạch khoeo khi có tổn thương khớp gối cũng như theo dõi tình trạng hoại tử khi bó bột là kiến thức cơ bản nhưng đã không được y bác sĩ Bệnh viện huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thực hiện.
Điều này cho thấy những lỗ hổng quá lớn trong đào tạo nguồn nhân lực y tế mà hậu quả để lại là những nỗi đau không thể nào bù đắp được./.