Vụ nữ sinh lớp 9 bị sát hại: Nếu 'ngáo đá', nghi phạm có được miễn tội?
Câu chuyện một nữ sinh lớp 9 ở xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) bị kẻ 'ngáo đá' sát hại khiến nhiều người dân xót xa. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng 'ngáo đá' có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
Khoảng 22h30 ngày 25/3, sau khi đi làm về đến nhà, một gia đình sinh sống tại thôn 5 (xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) bất ngờ phát hiện con gái P.T.M.M. (SN 2005, học lớp 9) nằm bất tỉnh trong nhà và trên người có nhiều thương tích.
Mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Kiến An nhưng do vết thương nặng nên nạn nhân đã tử vong. Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Kiến Thụy cùng đơn vị nghiệp vụ Công an TP. Hải Phòng và cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, sàng lọc các đối tượng khả nghi và điều tra làm rõ.
Trưa 28/3, nghi phạm ra tay sát hại nữ sinh M. đã đến cơ quan công an đầu thú. Danh tính nghi phạm được xác định là Nguyễn Sĩ Thắng (SN 1994, trú tại thôn 3, cùng xã Kiến Quốc). Theo cơ quan công an, sau khi sát hại nạn nhân xong, Thắng đi về nhà và được gia đình vận động đầu thú. Tuy nhiên, đối tượng ra chòi ngủ và đến sáng hôm sau bỏ trốn ra TP Móng Cái (Quảng Ninh). Qua điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, do lên cơn ngáo đá nên Thắng đã dùng hung khí sát hại nữ sinh.
Vậy người "ngáo đá" có được hiểu là mất năng lực hành vi dân sự? Và những kẻ phạm tội do "ngáo đá" sẽ bị xử phạt như thế nào?
Về vấn đề này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc sử dụng ma túy đá, dẫn đến sinh ảo giác, không làm chủ được hành vi. Đáng báo động là đối tượng sử dụng loại ma tuýý này chủ yếu là thanh thiếu niên và đang phát triển theo chiều hướng gia tăng.
Người bị "ngáo đá" có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Theo đó, sau khi sử dụng Methamphetamine, người "ngáo đá" có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác.
Ở góc độ pháp lý, người bị "ngáo đá" là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
"Pháp luật chưa có quy định riêng biệt đối với người phạm tội trong tình trạng bị kích thích do nghiện ma túy, do "ngáo đá". Tuy nhiên, tại Điều 13 (Bộ luật Hình sự 2015) có quy định chung là người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người "ngáo đá" phạm tội thì cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra", luật sư Long phân tích.
Theo luật sư Long, với diễn biến vụ việc như vậy thì đối tượng Thắng sẽ bị xử lý về tội Giết người được quy định tại điểm b (khoản 1, Điều 123, BLHS 2015), với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người dưới 16 tuổi.
Nếu bị cáo buộc, Thắng sẽ phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt với Thắng, tòa án sẽ căn cứ vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra với nạn nhân, nhân thân của Thắng và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt cụ thể.
"Hành vi phạm tội của nghi phạm Thắng đã gây đau thương, mất mát không gì bù đắp được cho gia đình bị hại và gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, bên cạnh trách nhiệm hình sự, Thắng còn phải bồi thường chi phí mai táng với nạn nhân thiệt mạng theo quy định của Bộ luật Dân sự", luật sư Long chia sẻ.