Vụ nữ tác giả Duyên Phùng đạo văn: Đừng để độc giả mất tiền cho món hàng fake
Nhà văn Đỗ Bích Thúy, tác giả truyện ngắn 'Tiếng đàn môi sau bờ rào đá' (được chuyển thể thành phim 'Chuyện của Pao') đã lên tiếng vì bị tác giả Duyên Phùng đạo văn. Nhà văn này cho rằng đây là hành động đáng phê phán, cần loại bỏ trong môi trường lao động sáng tạo.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy biết tác giả Duyên Phùng đạo văn khi đồng nghiệp thông báo. Hai tác phẩm Mùi đá, Trăng trong sương của tác giả Duyên Phùng được xác định lấy cốt truyện và sao chép nhiều đoạn từ truyện ngắn Sau những mùa trăng của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Khi được hỏi về việc này, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết: “Cái dở của sự việc này là sự ham muốn nổi tiếng, có tên tuổi, sự nghiệp nhưng bản thân lại không nỗ lực. Tôi nghĩ bạn này cũng là người có tố chất nhưng chỉ có điều bạn ấy lấy văn của người khác dễ dàng quá!”.
Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy, trách nhiệm cũng đến từ sự dễ dãi của những người khích lệ, như phát hiện ngôi sao sáng vụt lên. Những người tiếp nhận, trao giải có thể chưa đọc nhiều, cũng không đặt ra câu hỏi là tại sao mà một tác giả viết nhiều, viết khỏe mà viết toàn những cái hay. Bởi bản thân họ cũng là nhà văn, bản thân cũng mất vài chục năm để có tên tuổi, có chỗ đứng. Việc thu hồi, gỡ bài ngay lập tức là một cách bài trừ việc đạo văn.
“Một số đơn vị, báo chí làm rất kiên quyết, đã gỡ truyện, gỡ tên của tác giả này trong danh sách cộng tác viên của họ. Đối với nhà văn, khi tác phẩm được xuất bản, công bố giống như đứa con đã trưởng thành. Tác phẩm ấy có giá trị đến đâu nằm trong lòng độc giả. Nhưng người thiệt nhất cũng chính là độc giả, như họ bỏ tiền, thời gian mua phải một món hàng “fake”. Còn đối với tác giả thực lực, họ phải mất nhiều năm xây dựng, ghi dấu trong lòng công chúng, họ có chất riêng thì không thể thay thế được”, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho hay.
Tuy vậy, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng đạo văn đáng phê phán, cần loại bỏ trong môi trường lao động sáng tạo. Đạo văn là không tôn trọng độc giả, lừa dối tác giả gốc, đơn vị xuất bản... Chưa kể, tác phẩm còn gửi đăng nhiều nơi, đoạt giải, kéo theo nhiều hệ lụy. Truyền thông cũng có lỗi, nhưng lỗi đầu tiên là của chính bản thân người đi đạo văn. “Truyền thông giống như con sóng, tác giả có để nó cuốn đi hay không là chính bản thân họ. Không thể tham lam, lấy của người khác đắp về cho mình, xong được mọi người tung hô cho một cái thứ rất giả tạo”, nhà văn Đỗ Bích Thúy nói.
Còn nhà văn Trần Hồng Giang cũng phát hiện nhiều đoạn văn trong tác phẩm Những ngày giáp tết của tác giả Duyên Phùng đăng trên tạp chí in của Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai giống với truyện ngắn Tráng A Khành vốn đã nổi tiếng của nhà văn Đỗ Bích Thúy...
Sau khi đăng bài viết này trên trang cá nhân, tác giả Duyên Phùng đã nhắn tin để thừa nhận và xin lỗi với nhà văn Trần Hồng Giang về việc viết lại tác phẩm này.
“Bị đạo văn có cảm giác như đứa con tinh thần của mình bị người khác cướp mất vậy, khiến người viết thực lực nản, không muốn sáng tác nữa. Việc đạo văn ảnh hưởng rất lớn đến những người viết có tâm, viết bằng thực lực. Ví dụ, khi tác phẩm được công bố, 10, 20 năm sau, nhiều khi chính người sáng tác ra tác phẩm lại bị hiểu nhầm thành người đi đạo văn của người khác”, nhà văn Trần Hồng Giang nói.
Bên cạnh đó, nhà văn Trần Hồng Giang cho rằng lỗi cũng đến từ bộ phận kiểm duyệt, biên tập và truyền thông, khi chưa xác minh rõ đã công bố tác phẩm, rồi tung hô tác giả bằng những bài viết “mỹ miều”...
“Người biên tập phải có nhạy bén, phải có cái linh cảm nghề nghiệp. Người biên tập phải biết đặt dấu hỏi, nghi ngờ ngay khi một tác giả mới, phải tìm hiểu thật kỹ”, nhà văn Trần Hồng Giang nói.
Đồng quan điểm, nhà văn Văn Công Hùng cho rằng việc biên tập, truyền thông tác phẩm cần phải chặt chẽ hơn. Thứ nhất là tác giả mới, khi biên tập cần thận trọng, mới mà hay quá thì cũng phải nghi vấn. Đọc xong xác định hoàn cảnh tác phẩm ra đời, văn hóa ở vùng miền đó như thế nào.
“Với trường hợp này, khi tôi tìm hiểu thì thấy đáng thương hơn là đáng trách, bị tiếp tay bởi những người đã tạo ra cô ấy. Tác giả được giới thiệu là người làm nông, lúc rảnh rỗi mới viết, hai ngày viết được một truyện ngắn, 31 ngày viết xong tiểu thuyết mà toàn viết trên điện thoại thì không ai tin được. Người chuyên nghiệp cũng không viết được như thế. Lạ là thông tin được truyền thông trên các báo lớn, biên tập rất kỹ. Việc truyền thông tung hô khiến cho tác giả bị ảo tưởng, nghĩ như thế là sáng tác văn học”, nhà văn Văn Công Hùng nói.
Ông đề nghị Hội Nhà văn từ cơ sở cũng phải nâng cao trách nhiệm duyệt bài, công bố tác phẩm của mình để bảo vệ các nhà văn trẻ, để họ cố gắng phấn đấu, đưa ra nhiều tác phẩm sáng tác hay hơn. Các nhà văn trẻ cũng phải tự bảo vệ tác phẩm của mình bằng cách đăng ký bản quyền để có cơ sở pháp lý.
Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định kiểm tra các tác phẩm Mùi đá, Trăng trong sương của tác giả Duyên Phùng. Qua đó xác định, truyện ngắn Mùi đá đã lấy cốt truyện và sao chép nhiều đoạn từ truyện ngắn Sau những mùa trăng của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định đã ra thông báo, chân thành xin lỗi nhà văn Đỗ Bích Thúy và bạn đọc tạp chí Văn nghệ Bình Định. Đối với tác giả Duyên Phùng, tạp chí Văn nghệ Bình Định đã chấm dứt cộng tác và gỡ bỏ truyện ngắn của tác giả này được đăng trên tạp chí và các trang