2 con voi được anh Cao Xuân Ninh đặt tên là Gold và Jun. Jun hiện nặng khoảng 1,5 tấn và Gold nặng khoảng 800 kg, được bố trí không gian sống tại khu vực đất rộng khoảng 4.000 m2, thuộc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk.
Anh Ninh cho biết mình trực tiếp tham gia cứu hộ thành công voi Jun năm 2015 và cứu thành công voi Gold năm 2016.
Năm 2016, voi đực con (Gold) khoảng 2 tháng tuổi, nặng 100 kg, cao 90 cm bị rơi xuống giếng cạn tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (khu vực hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Anh Ninh và những cán bộ kiểm lâm, người dân cùng nhau giải cứu.
Còn Jun được lực lượng kiểm lâm phát hiện bị mắc bẫy vào tháng 2/2015, nửa móng cùng phần đệm một chân trước bị thương nặng và hoại tử. Gần đầu vòi cũng bị thủng trong khi cố vùng ra khỏi bẫy sắt. Anh Ninh cũng là người trực tiếp tham gia đưa voi đến đây để điều trị vết thương.
Từ chỗ giải cứu voi gặp nạn, thấm thoát đã sáu năm nay anh Ninh gắn bó với việc chăm sóc 2 chú voi này.
Công việc chính mỗi ngày của anh Ninh và một số nhân viên tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk là tắm voi, cho voi ăn, dọn dẹp khu vực nuôi nhốt, khám chân, miệng, điều trị vết thương, cắt gọt móng voi khi cần.
Ngoài ra, việc quan sát các hành động bất thường của voi và ghi chép lại được anh Ninh chú trọng.
Bị thương từ năm 2015 nhưng vết thương ở chân của voi Jun vẫn chưa khỏi hoàn toàn. Mỗi ngày, voi được anh Ninh vệ sinh, bôi mật ong nguyên chất lên vết thương để kháng khuẩn tự nhiên.
Ngoài ra, anh Ninh huấn luyện voi Jun cho chân bị thương vào vật dụng chứa dung dịch muối vô cơ Magie Sunfat (MgSO4). Việc này khiến các tế bào hoại tử bong tróc ra, vết thương hồi phục nhanh hơn.
Công việc hàng ngày của anh Ninh khá bận rộn vì chăm sóc 2 chú voi. Ngoài ra, anh còn chăm sóc, khám sức khỏe voi cho các hộ dân trong vùng. Anh được cấp chứng chỉ chăm sóc voi từ một tổ chức bảo tồn động vật nước ngoài.
Hiện voi Gold khỏe mạnh bình thường, trong khi vết thương của voi Jun dần hồi phục hẳn. Mỗi ngày, Jun và Gold được nhân viên cho ăn gần 10 xe cỏ và khoảng 20 kg dưa leo.
Vì cần tạo môi trường gần với tự nhiên nên anh Ninh và các nhân viên phải thao tác nhanh gọn, để hạn chế thời gian tiếp xúc giữa người với voi. Theo anh Ninh, có như vậy thì voi mới cảm thấy dễ chịu hơn khi được sống với thiên nhiên.
Phạm Ngôn - Minh Quý