Vụ ông Nguyễn Lộc An dùng hồ sơ giả, TAND TP Hà Nội cần hủy quyết định miễn chấn hành hình phạt tù
Hơn một năm kể từ thời điểm phát hiện việc ông Nguyễn Lộc An sử dụng hồ sơ bệnh tật giả để 'thoát' thi hành bản án 3 năm tù giam, TAND TP Hà Nội chưa xử lý quyết định miễn chấp hành hình phạt tù được ban hành do cán bộ làm trái pháp luật.
Quyết định miễn chấp hành hình phạt căn cứ vào hồ sơ giả, xử lý thế nào?
Trước sự việc ông Nguyễn Lộc An sử dụng hồ sơ giả bệnh ung thư phổi giả để đề nghị TAND TP Hà Nội miễn chấp hành hình phạt tù, có hai vấn đề đang rất được dư luận quan tâm mà các cơ quan chức năng sớm trả lời. Đó là, số phận của quyết định miễn chấp hành hình phạt tù được ban hành dựa trên hồ sơ giả sẽ ra sao; tại sao những kẻ làm hồ sơ giả để giúp cho ông Nguyễn Lộc An thoát án tù giam vi phạm pháp luật rất rõ ràng nhưng đến nay tại sao chưa có ai bị xử lý?
Đối với TAND TP Hà Nội, sau khi biết rõ quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An được ban hành dựa vào hồ sơ bệnh ung thư phổi được làm giả, Tòa sẽ “xử” quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông An như thế nào.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều luật sư cũng cho rằng, nếu không xử lý nghiêm minh trước pháp luật thì còn rất nhiều người vi phạm pháp luật sẽ tìm cách trốn tránh việc thi hành án phạt tù bằng các bệnh án giả. Đây là sự khinh nhờn pháp luật, như cách nói của cha ông là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp sử dụng hồ sơ bệnh tật không đúng với tình trạng sức khỏe để trốn tránh thì hành án phạt tù bằng các quyết định hoãn thi hành án, miễn thi hành án, thậm chí là xin đặc xá. Điển hình là vụ việc bà Phạm Bích Ngà bị kết án 12 năm tù về tội Buôn lậu 4 tấn vàng, nhưng đã sử dụng hồ sơ bệnh tật hiểm nghèo là “sơ gan cổ chướng” để xin hoãn thi hành án rồi được đặc xá năm 2010.
Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước là một quyết định “đặc biệt”, không thể xem xét lại nên bà Phạm Bích Ngà đã trót lọt thoát việc thi hành án đối với bản án 12 năm tù .
Song, đối với trường hợp ông Nguyễn Lộc An thì khác, quyết định miễn chấp hành hình phạt tù của TAND TP Hà Nội là một quyết định cụ thể trong lĩnh vực hành chính tư pháp và có thể xem xét lại khi đã có bằng chứng rõ ràng về việc quyết định này được ban hành dựa trên hồ sơ bệnh hiểm nghèo được làm giả.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, quyết định miễn chấp hành hình phạt tù là một quyết định hành chính trong lĩnh vực tư pháp của Tòa án. Do vậy, nếu có căn cứ xác định quyết định này ban hành sai thì khi phát hiện ra việc ban hành sai, cơ quan ban hành có quyền thu hồi quyết định sai.
“Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định miễn chấp hành hình phạt tù có thể bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, nhưng tôi không cho rằng trình tự giám đốc thẩm áp dụng đối với trường hợp này”, Luật sư Trần Việt Hùng cho biết.
Giám đốc thẩm là một hoạt động quản lý công tác xét xử của ngành tòa án, được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự và Bộ Luật tố tụng dân sự, áp dụng đối với bản án, quyết định của tòa án. Nhưng, quyết định của tòa án là các quyết định được ban hành theo trình tự tố tụng, không phải quyết định được ban hành theo thủ tục hành chính tư pháp, Luật sư Trần Việt Hùng giải thích thêm.
Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án liên quan đến quá trình xét xử. Đối với quá trình thi hành án, là thủ tục hành chính tư pháp nên không áp dụng thủ tục giám đốc thẩm mà áp dụng quy định về việc ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực tư pháp để giải quyết.
TAND TP Hà Nội cần phải sớm sửa sai
Trở lại vụ việc làm giả hồ sơ bệnh ung thư phổi của ông Nguyễn Lộc An, theo kết quả xác minh của C03 Bộ Công an, ông Nguyễn Lộc An biết rõ mình không mắc bệnh nhưng vẫn để ông Đỗ Văn Nghiêm, cán bộ TAND TP Hà Nội cùng một số cán bộ của Bệnh viện K làm hồ sơ giả này.
Hồ sơ bệnh án bao gồm phiếu chụp cắt lớp, phiếu xét nghiệm tế bào, sổ khám bệnh đã được nộp cho tòa án cùng với đơn xin miễn chấp hành hình phạt tù. Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, ông Đỗ Văn Nghiêm là người biết rõ ông Nguyễn Lộc An không mắc bệnh ung thư nhưng vẫn hướng dẫn ông An vào khám tại Bệnh viên K. Từ đó, bộ hồ sơ bệnh “ung thư phổi” được hình thành và giúp ông Nguyễn Lộc An thoát án 3 năm tù giam.
Đến đây thì câu hỏi tại sao ông Đô Văn Nghiêm lại nhiệt tình giúp đỡ ông Nguyễn Lộc An như vậy cần phải được trả lời rõ. Song, vì động cơ gì đi nữa thì cán bộ của TAND TP Hà Nội rõ ràng đã có lỗi trong việc ban hành quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An và có thể người ký quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông An hoàn toàn không biết đến việc ra đời của bộ hồ sơ bệnh ung thư phổi giả này.
Sau khi cơ quan điều tra đã làm rõ việc làm hồ sơ giả để TAND TP Hà Nội ban hành quyết định miễn chấp hành hình phạt tù thì TAND TP Hà Nội phải thực hiện “khắc phục” hậu quả. Song, đến nay cũng đã hơn một năm kể từ ngày vi phạm được phát hiện, TAND TP Hà Nội chưa sửa sai.
Theo ý kiến của nhiều luật sư thì những sự việc như nêu trên là ít xảy ra hoặc ít bị phát hiện nên việc xử lý các quyết định miễn chấp hành hình phạt tù ban hành sai là ít có “tiền lệ”. Song, rõ ràng một quyết định ban hành sai cần phải được sửa sai.
Đối với việc ban hành quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An được xác định là sai, xuất phát từ lỗi của cán bộ, công chức nhà nước và được che dấu một cách tinh vi, trong một thời gian dài và nếu không có tố cáo gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an thì vi phạm này mãi mãi không được làm rõ.
Do vậy, khi phát hiện ra sai phạm, TAND TP Hà Nội bằng thủ tục hành chính hay thủ tục tố tụng cũng phải hủy bỏ quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.