Vụ ông Tất Thành Cang: Khởi tố thêm các bị can tội tham ô
Động thái này được đưa ra sau khi đầu tháng VKSND TP.HCM trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 21-6, VKSND TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố bổ sung, quyết định khởi tố mới đối với 6 bị can vụ ông Tất Thành Cang cùng đồng phạm về các tội tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Trước đó, vụ án này có ông Cang có 18 đồng phạm. Nay với việc khởi tố thêm trên nâng tổng số bị can lên 20 người.
Các bị can đều là cựu thành viên trong HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco gồm: Phạm Xuân Trung (cựu Phó tổng giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (cựu Phó tổng giám đốc Sadeco), Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc IPC), Huỳnh Phước Long (cựu chuyên viên Văn phòng Thành ủy), Đỗ Công Hiệp (cựu kế toán trưởng Sadeco) trước đó bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Nay 5 bị can bị khởi tố bổ sung về tội tham ô tài sản.
Đồng thời CQĐT còn ra quyết định bắt tạm giam đối với bị can Linh.
Cạnh đó bị can mới bị khởi tố là Nguyễn Văn Minh (cựu Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco) về tội tham ô tài sản.
Động thái này được đưa ra sau khi đầu tháng 6 VKSND TP.HCM lần nữa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án.
Cụ thể tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng bị can đối với số tiền 1.103 tỉ đồng thất thoát ở nhóm hành vi phát hành 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco), gây thất thoát tài sản nhà nước.
Làm rõ có hay không vai trò đồng phạm tham ô tài sản của các cá nhân cựu là Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Công ty Sadeco trong việc nhận tiền thù lao, khen thưởng của Công ty Sadeco.
Và xác định hơn 5,6 tỉ đồng là nguồn tiền thù lao và tiền thưởng của người đại diện vốn nhà nước không chuyên trách (kiêm nhiệm) trong các năm 2016, 2017 và 2018 mà Công ty Sadeco đã chi cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, thuộc sở hữu của Công ty IPC, Văn phòng Thành ủy hay của Công ty Sadeco, qua đó để xác định chính xác tội danh đối với Tề Trí Dũng và đồng phạm.
Như PLO đã thông tin trước đó, CQĐT đã hai lần đề nghị VKS truy tố bị can Dũng - cựu tổng giám đốc Công ty IPC kiêm chủ tịch hội đồng quản trị SADECO và Hồ Thị Thanh Phúc - cựu tổng giám đốc SADECO về tội tham ô hơn 1,7 tỉ đồng (theo khoản 4 Điều 353 BLHS) và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí (khoản 3 Điều 219 BLHS).
Ông Tất Thành Cang - cựu phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và 15 người khác bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí đối với hành vi thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim…
Tháng 5-2021, CQĐT hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 1, xác định thiệt hại trong vụ án là 1.103 tỉ đồng và chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố.
Sau đó, VKS trả hồ sơ cho rằng cần xác định lại thiệt hại và làm rõ vai trò đồng phạm của công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phiếu của công ty SADECO.
Điều tra bổ sung, CQĐT giữ nguyên quan điểm về vai trò của công ty Nguyễn Kim trong việc mua 9 triệu cổ phần SADECO. Cụ thể là đã khởi tố Nguyễn Hữu Thành (cựu Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim) và Phạm Nhật Vinh (cựu Tổng giám đốc đang bị truy nã), hai đại diện Công ty Nguyễn Kim, tham gia vào HĐQT Sadeco, trực tiếp biểu quyết việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Về vai trò của công ty Nguyễn Kim, kết quả điều tra đến nay cho thấy ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim, đã xuất cảnh) là người cử Thành và Vinh tham gia vào HĐQT Công ty SADECO, đại diện theo ủy quyền đối với cổ phần của Công ty Nguyễn Kim tại SADECO.
Tuy nhiên, chưa có tài liệu xác định ông Kim can thiệp, tác động, yêu cầu Thành và Vinh này biểu quyết phát hành với giá cổ phần. Vì vậy đến nay chưa có căn cứ kết luận ông Kim và các cá nhân liên quan khác đồng phạm trong việc mua 9 triệu cổ phần này.
Đối với việc thiệt hại trong việc bán cổ phần cho Nguyễn Kim, CQĐT cũng đã tiến hành bổ sung xác định giá trị một cổ phần của SADECO là 162.571 đồng chứ không phải 144.489 đồng như trước. Từ đó thiệt hại của vụ án là hơn 1.103 tỉ đồng - nhiều hơn 160 tỉ đồng so với trước.
Đối với việc xác định có hay không thiệt hại trong thời gian Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến lúc hai bên chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền và cổ phần cho nhau, CQĐT cho rằng nhà nước không thiệt hại thêm bởi Sadeco chưa từng chia cổ tức cho cổ đông cho đến khi vụ án bị phát hiện.
Bản kết luận điều tra bổ sung cũng nêu ông Cang phải chịu trách nhiệm với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại công ty SADECO (16,7%) là hơn 184 tỉ đồng.