Vụ ông Trump bị ám sát hụt gợi lại ký ức đen tối ở nước Mỹ
Trước vụ ám sát hụt nhắm vào ông Trump, đã có ít nhất 15 vụ tấn công trực tiếp vào tổng thống, tổng thống đắc cử và ứng cử viên tổng thống Mỹ.
Khi tiếng súng nổ ra trong buổi vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump tại bang Pennsylvania hôm 13/7, cảnh tượng hỗn loạn lập tức gợi nhớ nhiều người về thời kỳ bạo lực chính trị trong quá khứ của nước Mỹ.
Trong 3 chu kỳ bầu cử liên tiếp trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, các ứng cử viên tổng thống đã trở thành mục tiêu của các vụ ám sát. Hai người, trong đó có một tổng thống đương nhiệm, đã bị giết. Một người bị thương nặng.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào năm 1972, khi Thống đốc George C. Wallace của Alabama bị bắn khi đang vận động tranh cử tại một trung tâm mua sắm bên ngoài Washington, DC. Ông Wallace bị liệt một phần cơ thể trong vụ nổ súng và phải ngồi xe lăn cho đến khi qua đời vào năm 1998.
4 tổng thống Mỹ qua đời vì ám sát
Abraham Lincoln là tổng thống Mỹ đầu tiên qua đời vì bị ám sát. Đêm 14/4/1865, khi đang cùng vợ xem một vở kịch tại nhà hát Ford ở Washington, Tổng thống Abraham Lincoln bị diễn viên John Wilkes Booth bắn vào đầu.
Ông Lincoln được đưa tới một căn nhà đối diện nhà hát để điều trị y tế. Nhưng ông đã qua đời vào ngày hôm sau.
Vào ngày 2/7/1881, chưa đầy 4 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống James Garfield bị Charles Guiteau bắn tại một nhà ga xe lửa ở Washington, DC. Do điều trị y tế không đúng cách, ông Garfield qua đời vào ngày 19/9 cùng năm.
Tháng 11/1963, Tổng thống thứ 35 của Mỹ, John F. Kennedy, đã bị bắn chết khi đang đến thăm Dallas để kêu gọi sự ủng hộ cho nỗ lực tái tranh cử của ông vào năm 1964. Vụ ám sát đã gây chấn động cả nước và làm dấy lên vô số thuyết âm mưu trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống William McKinley bị bắn vào tháng 9/1901 tại Buffalo, New York bởi Leon Czolgosz, một kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Khi đó, McKinley đang bắt tay người ủng hộ thì bị bắn hai phát vào ngực. Ông qua đời sau đó vì vết thương hoại tử.
Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trước vụ ám sát nhắm vào ông Trump, đã có ít nhất 15 vụ tấn công trực tiếp vào tổng thống, tổng thống đắc cử và ứng cử viên tổng thống trong quá khứ và 5 vụ trong đó dẫn đến tử vong.
Năm 1975, Tổng thống Gerald R. Ford đã phải đối mặt 2 vụ ám sát trong vòng chưa đầy 3 tuần và may mắn không bị thương.
Trong vụ đầu tiên, Ford khi ông đang đi bộ từ khách sạn của mình đến Tòa nhà Quốc hội Tiểu bang ở Sacramento thì bị Lynette A. Fromme bắn bằng súng lục nhưng không có đạn trong ổ đạn. Fromme sau đó bị kết án tù và được thả vào năm 2009.
17 ngày sau, một phụ nữ tên Sara Jane Moore đã cố gắng bắn tổng thống bên ngoài khách sạn ở San Francisco, nhưng đã bắn trượt khi một lính thủy đánh bộ đứng cạnh hất tay cô ta lên. Moore bị giam giữ và được thả vào năm 2007.
Vào tháng 3/1981, khoảng 2 tháng sau lễ nhậm chức, Tổng thống Ronald Reagan đã bị bắn và bị thương nặng bên ngoài một khách sạn ở Washington, DC. Kẻ gây án là John W. Hinckley Jr..
Ông Reagan đã hồi phục sau vụ tấn công. Song còn có 3 người khác bị bắn trong cùng vụ việc, trong đó thư ký báo chí của tổng thống, James Brady, đã bị liệt một phần do vết thương.
Hinckley đã được trả tự do vô điều kiện vào năm 2022.
Lên án bạo lực
Sau vụ tấn công nhắm vào cựu Tổng thống Trump, ông Robert F. Kennedy Jr. - ứng cử viên tổng thống độc lập - đã chia sẻ về trải nghiệm của mình liên quan đến vụ ám sát cha ông, Robert F. Kennedy, và chú của ông là cựu Tổng thống John F. Kennedy.
Kennedy đã chứng kiến cha mình bị ám sát tại một sự kiện vận động tranh cử ở Los Angeles vào năm 1968, khi ông mới 14 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với NewsNation, ông Kennedy nói rằng ông hiểu tác động của vụ việc kinh hoàng xảy ra trong cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump ở Butler, Pennsylvania. Ông hy vọng mọi người sẽ lên án vụ tấn công bạo lực nhằm vào cựu tổng thống.
"Tôi từng trải qua chuyện này với chính gia đình mình. Tôi đã ở bên cha tôi khi ông qua đời ở Los Angeles. Thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người là chúng ta cần phải từ bỏ bạo lực. Chúng ta cần từ bỏ không chỉ bạo lực, mà cả sự thù hận và cay độc", ông nói.
Ông Kennedy tin rằng có những điểm tương đồng giữa tình hình chính trị hiện tại và những năm 1960, khi cha ông, chú ông và nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. bị ám sát trong bối cảnh bất ổn chính trị và chủng tộc gia tăng.
"Khi chú tôi bị giết năm 1963, cũng có sự chia rẽ như thế này", ông nói. "Khi cha tôi bị giết, đó là giữa thời điểm có lẽ là chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó kể từ nội chiến. Bây giờ chúng ta đang quay lại tình thế như vậy".
Ông Kennedy cũng gửi lời chia buồn với gia đình Trump và gia đình có người thân tham cuộc mít tinh đã qua đời.