Vụ phá rừng ở Hàm Thuận Nam: Phải xử lý đối tượng về hành vi xâm hại tài sản Nhà nước

Liên quan vụ phá rừng tại xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chỉ đạo hướng xử lý đối tượng.

Vụ phá rừng ở Hàm Thuận Nam

Ông Huỳnh Hiếu (trái) - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại hiện trường.

Ông Huỳnh Hiếu (trái) - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại hiện trường.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, hành vi san ủi 592 m2 đất rừng sản xuất tại tiểu khu 296C, thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú là hành vi “Phá rừng trái pháp luật”. Hành vi này phải được xử lý theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đối với việc san ủi 678 m2 (là đất khác không có quy hoạch trong đất rừng), do UBND xã Thuận Quý quản lý là hành vi “Xâm hại đến tài sản của Nhà nước”. Do đó, phải được xử lý theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Sau khi xác định cụ thể mức độ thiệt hại, ngoài xử lý hành chính, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự đối tượng theo quy định của luật này.

Đường kính 1 cây sến bị cưa hạ trong rừng.

Đường kính 1 cây sến bị cưa hạ trong rừng.

Về trách nhiệm, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú phải chịu trách nhiệm chính vì để xảy ra hành vi phá 592 m2 đất rừng, trong đó trực tiếp là cá nhân Phó trưởng Ban và Trưởng Trạm bảo vệ rừng Hàm Minh - Thuận Quý. UBND xã Thuận Quý chịu trách nhiệm về quản lý, bảo vệ diện tích đất có cây gỗ rừng trồng tái sinh, cây gỗ rừng tự nhiên trên đất không thuộc quy hoạch cho lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, do hành vi vi phạm trên 2 lĩnh vực khác nhau, vì vậy Chi cục đã giao Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam chủ trì, phối hợp với Công an huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, nhanh chóng củng cố hồ sơ. Đồng thời, yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện phải đề xuất hướng xử lý, trình Chủ tịch UBND huyện giải quyết theo thẩm quyền; trong tháng 11/2019 báo cáo kết quả về Chi cục Kiểm lâm. Chi cục cũng đề nghị Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú tổ chức lực lượng bảo vệ nguyên vẹn hiện trường, chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng khẩn trương xác định ranh giới thực địa giữa Khu bảo tồn với diện tích đất rẫy của hộ dân. Đề nghị UBND xã Thuận Quý phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện nhanh chóng xây dựng phương án chống lấn chiếm đất rừng và thành lập Tổ công tác cấp xã để kiểm tra, lập hồ sơ và tham mưu cấp thẩm quyền xử lý các hành vi lấn chiếm đất rừng.

Trước đó (tháng 10/2019), Báo Bình Thuận có loạt bài phản ánh về tình trạng ngang nhiên phá rừng tại Hàm Thuận Nam. Sau khi vào cuộc xác minh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, nội dung thông tin Báo Bình Thuận phản ánh là đúng thực tế. Qua kiểm tra, bước đầu ngành chức năng xác định, Nguyễn Ngọc Mon (SN 1996, ngụ thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý) là đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ phá rừng. Đối tượng đã sử dụng xe ủi bánh xích tiến hành san ủi trái phép là 1.270 m2 đất, trong đó 592 m2 là đất rừng sản xuất nằm trong tiểu khu 296C, 678 m2 đất còn lại là đất khác, không có quy hoạch trong đất rừng. Hành vi trên khiến 105 cây keo lá tràm và sến từ bị cưa hạ, san ủi trốc gốc nằm dạt qua 2 bên. Trong tổng số cây bị cưa hạ và san ủi, có 32 cây đường kính từ 6 cm - 19 cm nằm trong diện tích 592 m2, 11 cây nằm trong diện tích 678 m2.

LÊ PHÚC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/vu-pha-rung-o-ham-thuan-nam-phai-xu-ly-doi-tuong-ve-hanh-vi-xam-hai-tai-san-nha-nuoc-122140.html