Vụ phạm nhân Triệu Quân Sự 'vượt ngục': Cán bộ quản lý chịu trách nhiệm gì trước việc có 'lỗ hổng' ở trại giam?!
' Vượt ngục ' nhiều lần và thành công, Triệu Quân Sự chắc chắn sẽ phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật sau khi thực hiện hành vi của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, việc để phạm nhân này trốn trại không thể không xem xét trách nhiệm của cán bộ quản lý trại giam.
Hình phạt không nặng hơn dù nhiều lần vượt ngục?
Như Báo PLVN đã thông tin, chiều ngày 1/6, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết lực lượng chức năng đã khoanh vùng và bắt giữ được phạm nhân Triệu Quân Sự sau khi đối tượng này trốn thoát khỏi trại giam từ chiều ngày 31/5. Địa điểm phát hiện, bắt giữ đối tượng là tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là lần thứ 3 tù nhân này vượt ngục. Trước đó, Sự đang chấp hành bản án chung thân về các tội: “Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ, Trốn khỏi nơi giam và Trộm cắp tài sản”.
Trao đổi với Phóng viên Báo PLVN, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga nhận định, với việc liên tiếp vượt ngục, có thể thấy Triệu Quân Sự không tích cực cải tạo, không chấp hành nghiêm quy định của trại giam để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà có những hành vi, biểu hiện tâm lý bất thường như thái độ cười cợt, vui vẻ khi bị bắt giữ cho thấy tâm lý không ổn định.
Đây có thể là biểu hiện, dấu hiệu của chứng tự kỷ, có dấu hiệu bệnh lý, cơ quan chức năng có thể tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xem xét trách nhiệm pháp lý - Tiến sĩ Nga nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Thị Nhung - Đoàn LS thành phố HN cho rằng, sau khi bắt giữ được Triệu Quân Sự, cơ quan chức năng có thể tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để có căn cứ xác định tội danh, hình phạt và cách thức xử lý sự việc.
Mặt khác, Triệu Quân Sự là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đã bị kết án về nhiều tội danh và đây đã là lần thứ ba Triệu Quân Sự trốn trại. Điều đó cho thấy đối tượng này đã không ăn năn, hối cải, không tự giác giáo dục, cải tạo mà luôn có ý thức chống đối pháp luật rất cao. Do đó, các cơ quan chức năng sau khi truy bắt được phạm nhân trốn trại, cần xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Nhung, hành vi trốn trại của Triệu Quân Sự phạm vào “Tội trốn khỏi nơi giam giữ” được quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với tội danh này, tùy thuộc vào diễn biến, tính chất và mức độ của hành vi phạm tội mà Triệu Quân Sự sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 10 năm tù.
Ngoài ra, đây đã là lần thứ ba Triệu Quân sự trốn khỏi nơi giam (khi đang chấp hành án) nên đối tượng này còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 52 và Khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015. Do đó, theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hình phạt chung mà đối tượng này phải chịu vẫn là tù chung thân, Luật sư Nhung nói.
“Lỗ hổng” của trại giam
Luật sư Vũ Thị Nhung cho hay, chúng ta đều biết, tù giam giữ là hình phạt dành cho những người đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội (tội phạm) và được pháp luật bắt buộc cách ly khỏi xã hội để đảm bảo an toàn cho mọi người. Một trong những nguyên nhân mà pháp luật áp dụng hình phạt này chính là vì cơ quan chức năng xét thấy nếu không cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội sẽ rất nguy hiểm cho mọi người, cho đất nước, cho xã hội. Vì vậy, dưới một khía cạnh nào đó, việc tạo điều kiện, giúp sức (nếu có) để phạm nhân trốn khỏi trại giam cũng chính là một tội ác, một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Hiện cũng chưa rõ Sự có người giúp sức để trốn khỏi trại hay không cũng như khi trốn chạy Sự có dùng vũ lực với người canh gác tại trại giam hay không. Bởi nếu thuộc những trường hợp này thì Sự có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, việc để phạm nhân Triệu Quân Sự trốn thoát khỏi trại giam khi đang chấp hành hình phạt không thể không xét đến trách nhiệm của cán bộ quản giáo, giám thị trại giam khi để phạm nhân bỏ trốn, cơ quan điều tra cần làm rõ nội dung sự việc, những sai phạm của các cán bộ trực tiếp quản lý. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà các cán bộ quản lý có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định hoặc có thể bị xử lý về hình sự đối với tội danh "Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn" theo quy định tại Điều 376 Bộ luật hình sự 2015.
Theo lời Luật sư Vũ Thị Nhung, sau sự việc gây xôn xao dư luận này, cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình giám sát, canh giữ phạm nhân, cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng cho việc quản lý, canh giữ phạm nhân. Đặc biệt, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm lý của phạm nhân, có được những phương pháp giáo dục, cải tạo phù hợp, để họ nhận thức được lỗi lầm, ăn năn, hối cải đối với các việc làm sai trái của mình, tự giác chấp hành, cải tạo, tu dưỡng. Đồng thời, giúp các phạm nhân hiểu rằng bị phạt tù chung thân không có nghĩa là sẽ phải thụ án cả đời, nếu họ thực sự cầu tiến, có ý thức chấp hành và cải tạo tốt, biết tự giác thay đổi bản thân, thì sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được giảm thời gian chấp hành hình phạt, được tha tù trước thời hạn, vẫn còn cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cũng như củng cố, đảm bảo được an ninh tại trại giam.
Triệu Quân Sự từng là quân nhân Quân khu 1. Khi là binh nhì, Sự thường xuyên trộm cắp vặt rồi đào ngũ. Năm 2012, Sự sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên phạt Sự tù chung thân về các tội: “Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ”.
Cuối năm 2015, khi chấp hành án phạt ở Quảng Ngãi, Sự đã vượt ngục. Sau khi bị bắt, năm 2016, Sự bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Trốn khỏi giam và 3 năm tù tội Trộm cắp tài sản. Tổng hình phạt tù là chung thân.
5 năm sau, vào chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân khu 5 đóng tại Quảng Ngãi, phạm nhân Triệu Quân Sự đã trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sau 15 ngày lẩn trốn, Sự bị bắt khi đang ở một quán điện tử tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.