Vụ Pháp bắt giữ nhà sáng lập Telegram giống như vụ Wikileaks, Nga phản đối mạnh

Vụ bắt giữ ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram vì các cáo buộc hình sự tương tự trường hợp của nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng Telegram Pavel Durov. (Nguồn: Reuters)

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng Telegram Pavel Durov. (Nguồn: Reuters)

Pavel Durov, 39 tuổi, doanh nhân gốc Nga, sinh ra ở Leningrad và hiện có các quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe) đã bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget vào khoảng 20h ngày 24/8 (giờ địa phương).

Ông sáng lập Telegram năm 2013 và nhấn mạnh nền tảng này đề cao quyền riêng tư và chống lại sự kiểm duyệt của chính phủ.

Sau khi ông bị bắt, một nguồn tin tư pháp tại Brussels (Bỉ) phân tích: “Trường hợp của Durov thực ra phản ánh trường hợp của Assange. Trong cả hai trường hợp, nhà sáng lập một hãng truyền thông quốc tế độc lập lớn đều bị nhắm tới thông qua biện pháp sử dụng các cáo buộc hình sự”.

Theo nguồn tin, việc ông Durov có quốc tịch Pháp sẽ giúp các công tố viên được thoải mái hơn. Tuy nhiên, nguồn tin cho rằng bất kể nhà sáng lập Telegram có hộ chiếu của nước nào, thì giới truyền thông vẫn sẽ tiếp tục coi Durov là công dân Nga, từ đó làm giảm đáng kể khả năng dư luận châu Âu ủng hộ nhân vât này.

Trước đó, kênh truyền hình LCI TV của Pháp đưa tin Durov đã bị bắt và nhận định nhà sáng lập Telegram có thể bị buộc tội khủng bố, buôn bán ma túy, gian lận, rửa tiền và sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Ngày 25/8, Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova cáo buộc vụ bắt giữ ông Pavel Durov, cho rằng đây là hành động tấn công vào quyền tự do ngôn luận và thông tin.

Trên trang Telegram, bà Moskalkova viết: “Lý do thực sự đằng sau vụ bắt giữ ông Pavel Durov rõ ràng là họ đang cố gắng đóng cửa Telegram, một nền tảng trực tuyến nơi bạn có thể biết được những gì thực sự đang diễn ra trên thế giới”.

Quan chức nhân quyền Nga chỉ trích vụ bắt giữ ông Durov “vi phạm trắng trợn” quyền tự do ngôn luận và là một ví dụ khác về “tiêu chuẩn kép mà các quốc gia yêu chuộng dân chủ áp đặt đối với các quyền cơ bản của con người, trong khi thực tế lại cố gắng chà đạp chúng”.

Bà Moskalkova mỉa mai: “Thay vì đấu tranh chống tội phạm, phân biệt đối xử và các hành vi vi phạm nhân quyền khác, Pháp lại đang cố gắng kiểm soát hoàn toàn dư luận”.

(theo TASS)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-phap-bat-giu-nha-sang-lap-telegram-giong-nhu-vu-wikileaks-nga-phan-doi-manh-283877.html