Vụ phó công an phường đánh phụ nữ có thể xử lý ra sao?
Theo luật sư, hành vi của vị chỉ huy Công an phường Sông Bằng (Cao Bằng) đủ căn cứ cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Công an TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, đang xác minh làm rõ vụ một Phó trưởng Công an phường Sông Bằng có hành vi đánh phụ nữ, chỉ đạo bắt giữ người trong đêm tại phường Đề Thám.
Theo đó, tối 28/4, Phó trưởng công an phường Sông Bằng cùng hai người khác đến tiệm cắt tóc của anh Đ.K.. Tại đây, vị phó trưởng công an phường yêu cầu một cán bộ công an phường bắt giữ, vật anh N.. Trong khi đó, vị chỉ huy trực tiếp đánh, tát 2 cái vào mặt một cô gái tên M.K. (bạn gái của N.).
Vậy, theo quy định, khi nào lực lượng chức năng được phép bắt giữ người? Và vị phó trưởng công an phường có thể bị xử lý ra sao?
Khi nào được phép bắt giữ người?
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
"Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật", luật sư cho hay.
Theo ông Tiền, khi thực hiện bắt, lực lượng thực thi phải có lệnh bắt người, phải công bố lệnh và có sự giám sát của VKS cùng cấp. Đồng thời, người bị bắt có quyền được biết lý do mình bị bắt và được quyền khiếu nại.
Đối với trường hợp bắt người trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h hôm sau (ban đêm), luật sư Tiền trích dẫn khoản 3, Điều 113, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”.
Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội nhấn mạnh công an chỉ có quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã, nếu không thuộc hai trường hợp này đều bị coi là trái luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Trong vụ việc trên, vị phó công an phường có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định nội bộ của ngành công an về hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự", luật sư Tiền nói.
Hình thức kỷ luật cao nhất là gì?
Cùng theo dõi vụ việc, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, nhận định vị phó trưởng công an phường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Ông Cường phân tích tội Bắt người trái pháp luật cấu thành tội phạm kể từ khi người thực hiện hành vi phạm tội đe dọa, uy hiếp tinh thần, sử dụng vũ lực để ép buộc nạn nhân ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc của họ hoặc có những hành vi khác xâm phạm thân thể, tước bỏ quyền tự do về thân thể của công dân trái pháp luật.
"Tội danh này không bắt buộc người phạm tội phải bắt được, giữ được nạn nhân. Hành vi bắt, giữ người trái pháp luật cũng không đòi hỏi là phải đưa nạn nhân rời khỏi nơi cư trú, nơi làm việc hoặc bắt giữ trong thời gian bao lâu", tiến sĩ Cường nói và khẳng định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Luật sư cho biết khung hình phạt đối với tội danh này từ 2 đến 7 năm tù.
Bên cạnh hình phạt liên quan đến pháp lý, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết các cơ quan chức năng sẽ cần phải có hình thức kỷ luật công chức, xử lý về mặt Đảng đối với vị chỉ huy.
Ông Cường nhận định với hành vi đánh người, bắt giữ người trái pháp luật mà được cơ quan chức năng kết luận, thì hình thức kỷ luật cao nhất có thể tước danh hiệu công an nhân dân và khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc xử lý kỷ luật công chức vi phạm kỷ luật sẽ được thực hiện theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Mức hình thức kỷ luật có thể áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.