Vụ phóng tên lửa Triều Tiên 'chiếm sóng' tại APEC
Các nhà lãnh đạo nền kinh tế Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngày 18-11 lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời kêu gọi thống nhất phản ứng.
Các quan chức Nhật Bản cho biết tên lửa rơi xuống vùng biển cách Nhật Bản khoảng 200 km và có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Phát biểu bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gọi vụ phóng đã "vi phạm trắng trợn" nhiều nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và cho rằng các hành động của Triều Tiên đang gây bất ổn đối với an ninh khu vực.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo kêu gọi một mặt trận thống nhất và phản ứng kiên quyết. Chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản ước tính tên lửa của Triều Tiên đã bay khoảng 6.000-6.100 km ở độ cao tối đa 1.000 km trước khi rơi xuống biển. Một ngày trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có động thái quân sự quyết liệt hơn nếu Mỹ và đồng minh tiếp tục mở rộng các hoạt động răn đe trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhận định những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên xảy ra với tần suất cao chưa từng thấy trong thời gian gần đây và cảnh báo khả năng nước này sẽ phóng thêm. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng hành động của Triều Tiên cần phải bị tất cả các khu vực trên thế giới lên án trong khi người đồng cấp Úc Anthony Albanese chỉ trích các vụ phóng tên lửa là hành động liều lĩnh.
Trước đó, phát biểu trong khuôn khổ APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ bên nào và không nên trở thành đấu trường cho cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo về tình hình căng thẳng tại khu vực nơi mà cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đang nóng lên.
Theo đài CNN, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh mọi nỗ lực nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng công nghiệp sẽ chỉ khiến hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đi vào ngõ cụt. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi thế giới nên đi theo hướng cởi mở và hòa nhập, bác bỏ chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Theo ông Tập Cận Bình, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng phải bị phản đối.