Vụ phong tỏa cao tốc : Tổng cục Đường bộ nói gì?
Ngày 15/9 báo Tiền Phong có đăng bài 'Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí', chiều cùng ngày, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có văn bản trả lời báo Tiền Phong về một số nội dung được nêu.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại đoạn qua huyện Bình Xuyên bị dựng rào phong tỏa, cấm xe đi vừa qua.
Văn bản số 6582 do ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN ký cho biết, tuyến Nội Bài - Lào Cai có 14 trạm thu phí theo hình thức thu phí kín (vào lấy thẻ - ra trả tiền, theo thực tế số km sử dụng). Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trạm km 6 tạm dừng tổ chức thu phí để phòng, chống dịch bệnh COVID, Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (đơn vị quản lý, thu phí) điều chỉnh quy trình thu phí để tổ chức thu phí đối với các trạm còn lại là phù hợp theo quy định.
Với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng cục ĐBVN cho biết, có đặc thù là thu phí liên thông với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức thu phí kín (đầu vào lấy thẻ, đầu ra trả tiền, theo số km thực tế sử dụng). Tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình có điểm đầu tại Cầu Giẽ (Hà Nội), khoảng cách đến nút giao Vực Vòng (Hà Nam) là 8,8 km.
“Trong đó đoạn tuyến đi qua thành phố Hà Nội có chiều dài 4,9 km. Toàn tuyến có 3 trạm thu phí đặt tại Hà Nam (2 trạm) và Nam Định (1 trạm). Khi các trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội tạm dừng tổ chức thu phí, VEC đã điều chỉnh quy trình thu phí (từ thu phí kín sang thu phí lượt tại một số trạm thu phí) và đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam”, văn bản nêu.
Theo lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản về việc tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16. “Việc tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí là để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của địa phương, hạn chế tiếp xúc, tránh làm lây lan dịch bệnh khi tổ chức thu phí tại các trạm”.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN cũng nêu khó khăn, tình hình dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, việc vừa đảm bảo chống thất thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ vừa phòng, chống dịch bệnh dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Phong tỏa cao tốc, buộc xe đi vòng xử lý ra sao?
Ngoài nêu tình trạng điều tiết, tổ chức giao thông để thu phí của Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (đơn vị thu phí) trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Vực Vòng trong thời gian giãn cách, trong bài đăng vừa qua, báo Tiền Phong đã nêu vấn đề được nhiều lái xe, người dân và doanh nghiệp (DN) vận tải có nhiều ý kiến nhiều nhất. Đó là VEC chỉ là đơn vị vận hành và thu phí tuyến đường, có giải pháp cho việc thu phí, không có được phép chặn, bịt đường cao tốc quốc gia làm thay đổi hướng lưu thông của phương tiện...
Tuy nhiên nội dung quan trọng và cần vai trò của Tổng cục ĐBVN - đơn vị thay mặt Nhà nước quản lý các tuyến quốc lộ, cao tốc thì lại không thấy đề cập trong văn bản (!?). Vì sao trước sự việc được cho là trái thẩm quyền của VEC, Tổng cục ĐBVN lại không có ý kiến, thể hiện vai trò của mình? Văn bản chỉ khẳng định đơn vị vận hành đã thực hiện đúng quy định, chủ trương?.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong hai văn bản cao nhất về nội dung này là Luật Giao thông đường bộ và Quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định 33) thì chỉ cơ quan nhà nước mới được chặn đường, tổ chức giao trên quốc lộ, cao tốc.
Lý giải với đại diện báo Tiền Phong về việc tại sao nội dung VEC chặn đường, buộc xe phải đi vòng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa qua, điện lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho rằng, Tổng cục sẽ tìm hiểu thêm sự việc này và trả lời báo trong một thời điểm khác.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng, nhà đầu tư VEC chỉ có quyền vận hành, thu phí hoàn vốn; còn đường đã được bàn giao cho nhà nước quản lý, tổ chức giao thông thì chỉ đại diện nhà nước mới được phong tỏa, chặn đường.
"Trả lời về sự việc trên, Tổng cục ĐBVN nói nhà đầu tư đã thực hiện việc thu phí và điều tiết giao thông là phù hợp quy định, vậy cần chỉ rõ là quy định nào cho phép nhà đầu tư được phong tỏa, lập hàng rào cấm đường trên cao tốc. Đây là sự việc hoàn toàn sai và cơ quan chức năng không có ý kiến, không có giải pháp chấn chỉnh, xử lý là đang tự đánh mất vai trò, tránh nhiệm của mình", ông Thanh nói.
Ngày 15/9, báo Tiền Phong đăng bài “Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí”, phản ánh nội dung: Là một trong những cao tốc có trạm thu phí được yêu cầu dừng hoạt động (trạm Sóc Sơn cuối cao tốc hướng Lào Cai - Nội Bài) khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tuy nhiên, để không bị “mất thu” tại trạm Sóc Sơn đối với toàn bộ phương tiện từ hướng Lào Cai chạy về, trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, nhà đầu tư VEC đã dựng hàng rào phong tỏa toàn bộ đường cao tốc đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu rẽ vào hướng tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí trạm IC3 (VEC), sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-phong-toa-cao-toc-tong-cuc-duong-bo-noi-gi-post1376647.tpo