Vụ phun trào núi lửa phá hủy tầng ozone
Một nhóm nghiên cứu quốc tế gợi ý rằng, sự sụt giảm nghiêm trọng nồng độ ozone trong khí quyển xung quanh vùng nhiệt đới khoảng 60 - 100.000 năm trước có khả năng góp phần gây ra 'nút thắt cổ chai' về dân số.
Tình trạng giảm nồng độ ozone gây ra bởi vụ phun trào của siêu núi lửa Toba thuộc Indonesia ngày nay.
Ông Sergey Osipov tại Viện Hóa học Max Planck, cùng dự án với Georgiy Stenchikov của KAUST và các đồng nghiệp từ Đại học King Saud, NASA cho biết: “Toba từ lâu đã được coi là nguyên nhân gây ra “nút thắt cổ chai”.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra ban đầu về biến đổi khí hậu của nhiệt độ và lượng mưa không cung cấp bằng chứng cụ thể nào về tác động tàn phá đối với loài người”.
Theo ông Osipov, ở các vùng nhiệt đới, bức xạ tia cực tím (UV) gần bề mặt là yếu tố thúc đẩy quá trình tiến hóa. Khí hậu trở nên phù hợp hơn ở những vùng dễ biến động. Trong khi đó, các vụ phun trào núi lửa lớn thải ra khí và tro bụi.
Từ đó, tạo ra lớp aerosol, làm suy giảm ánh sáng mặt trời ở tầng bình lưu, khiến bề mặt Trái đất nguội đi. “Mùa đông núi lửa” này có nhiều tác động trực tiếp, như khiến đại dương lạnh hơn, gây ra hiện tượng El Nino kéo dài, mất mùa và dịch bệnh.
“Tầng ozone ngăn chặn mức độ cao của bức xạ tia cực tím có hại đến bề mặt. Để tạo ra ozon từ oxy trong khí quyển, cần có các photon để phá vỡ liên kết O2. Khi núi lửa giải phóng một lượng lớn khí lưu huỳnh điôxít (SO2), các chùm núi lửa hấp thụ bức xạ UV nhưng chặn ánh sáng mặt trời. Quá trình này hạn chế sự hình thành ozon, tạo lỗ thủng tầng ozone và làm tăng nguy cơ của tia cực tím”, nhà khoa học Osipov lý giải.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra mức độ bức xạ UV sau vụ phun trào Toba bằng cách sử dụng mô hình khí hậu ModelE do NASA GISS (Viện Nghiên cứu Không gian Goddard) phát triển. Họ đã mô phỏng những hậu quả có thể xảy ra của các vụ phun trào với quy mô khác nhau.
Mô hình cho thấy, đám mây Toba SO2 đã làm suy giảm mức ozone toàn cầu tới 50%. Hơn nữa, các tác động của vụ phun trào đối với ozone là khá lớn. Do đó, những nguy cơ về sức khỏe do bức xạ UV cao hơn ở bề mặt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ sống sót của con người.
“Tác động của tia cực tím có thể tương tự như hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ví dụ, sản lượng cây trồng và lượng thủy hải sản sẽ giảm do tác động của tia cực tím. Việc không được bảo vệ khỏi tia cực tím khi ra ngoài trời sẽ gây tổn thương mắt và cháy nắng trong chưa đầy 15 phút. Theo thời gian, ung thư da và tổn thương ADN nói chung sẽ dẫn đến sự suy giảm dân số”, ông Osipov cho biết.