Vụ pin Note 7: Samsung đổ tội nhà cung cấp, xem nhẹ lỗi của chính mình
Samsung sẽ vẫn phải tiếp tục đứng dậy và đi trên con đường của mình sau thất bại với Galaxy Note 7. Qua những gì mà hãng đã trình bày trong buổi họp báo công bố nguyên nhân gây nổ Note 7, chúng ta đã hiểu thêm trách nhiệm của người khổng lồ điện tử Hàn Quốc đối với người tiêu dùng.
Theo trang công nghệ Android Central, Galaxy Note 7 đã bị khai tử nhưng sự cố này đã tạo ra một nỗi đau nhớ đời cho Samsung. Nỗi đau ấy trải khắp từ trụ sở chính ở Hàn Quốc đến những thị trường nhỏ như Canada. Cuộc họp vào sáng thứ Hai (ngày 23/1) ở Seoul diễn ra rất trang trọng. Chủ tịch mảng di động của Samsung, ông DJ Koh, đã nhận trách nhiệm cho những sự cố xảy ra gần đây của công ty.
"Tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến tất cả các khách hàng, các nhà cung cấp, bán lẻ, các nhà phân phối sản phẩm cũng như các đối tác kinh doanh của Samsung. Cảm ơn các bạn đã luôn kiên nhẫn và luôn trợ giúp cho chúng tôi. Samsung tin rằng bước đi đầu tiên để lấy lại sự tin tưởng của các bạn chính là cung cấp cho các bạn sự hiểu biết thấu đáo về các nguyên nhân gây ra sự cố Galaxy Note 7 và thực hiện một kế hoạch toàn diện nhằm đảm bảo không có vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai".
Theo thông tin Samsung đưa ra trong buổi công bố, Samsung đã điều tra rất chi tiết, tỉ mỉ về sự cố Note 7. Hãng đã khẳng định thiết kế của điện thoại không thể là nguyên nhân gây cháy nổ. Chủ tịch Koh cho biết 700 kỹ sư của Samsung cùng 3 công ty thuê ngoài đã tiến hành thử nghiệm hơn 200.000 chiếc điện thoại cùng hơn 30.000 viên pin riêng lẻ để tìm nguyên nhân cháy nổ. Những chiếc điện thoại và pin đã được thử nghiệm ở nhiều điều kiện khác nhau để xem liệu những sự cố như bị thấm nước hay những công nghệ như sạc nhanh, sạc không dây có gây cháy không. Kết quả là không phải nguyên nhân này.
Thay vào đó, Samsung đổ lỗi hoàn toàn cho hai loại pin của hai nhà cung cấp. Chủ tịch Koh cũng như Phó Chủ tịch Samsung Canada Paul Brannen đều không tiết lộ tên tuổi các nhà cung cấp này. Ông Brannen cho biết: "Pin của hãng A, có mặt trên thị trường Mỹ và Canada đầu tiên, đã gặp lỗi biến dạng ở góc đã khiến chúng tôi nghĩ rằng Pin của hãng B sẽ sẽ an toàn. Nhưng Pin B lại gặp phải một lỗi không liên quan đến pin A. Dựa vào điều tra từ 3 công ty Exponent, UL và TU V Rheinland, pin B được phát hiện có lỗi mối hàn trong quá trình sản xuất, cũng như một vài viên bị thiếu băng cách nhiệt làm tăng khả năng phát nổ".
Samsung nhận lỗi, nhưng đặt các nhà cung cấp ở vị trí "giơ đầu chịu báng"
Sự đùn đẩy trách nhiệm chính là cách để Samsung tồn tại và tiếp tục tiến lên. Gần như ngay lập tức sau khi Chủ tịch Koh đưa ra lời tuyên bố đầy hối lỗi và hứa hẹn cải thiện, đại diện 3 công ty điều tra sự cố được Samsung thuê đã giải thích cho khán giả những phân tích của mình. Thật ra, bất cứ người nào không cần có bằng cấp về hóa chất hay điện tử cũng khó tiêu hóa lời giải thích của họ rằng: pin A là sự kết hợp của một biến dạng ở góc trên bên phải + vách ngăn mỏng + ứng suất cơ học lặp đi lặp lại do quá trình sạc đã dẫn tới nguy cơ cao vách ngăn bị phá hủy, tạo ra một dòng ngắn mạch giữa phần nhôm và lá đồng ở góc viên pin – nguyên nhân khiến pin phát nổ.
Cho dù hai công ty UL và Exponent đều khẳng định lỗi kỹ thuật của pin chính là nguyên nhân gây cháy nổ, nhưng đối với nhiều người lời giải thích này là không thỏa đáng. Nguyên nhân thực sự có lẽ nằm ở thiết kế Note 7 với yêu cầu viên pin phải lớn hơn trong khi khoang đặt pin lại bị thu nhỏ. Điều này buộc các hãng chế tạo pin mắc sai lầm, bỏ qua các bước cần thiết, né tránh kiểm định theo khối lượng lớn – một tiêu chuẩn an toàn mà ngành công nghiệp di động đã quy định.
Khi nghe lời giải thích của Samsung rằng hãng đã thử nghiệm rất nhiều điện thoại và pin, cũng như tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để "khai quật" lỗi, bao gồm cả việc thuê ba công ty độc lập điều tra, công chúng đã cảm thấy được xoa dịu và tiếp tục đặt niềm tin ở tương lai Samsung. Thực ra cả Chủ tịch Koh và Phó Chủ tịch Brannen đều không thể thừa nhận chính xác cái gì đã khiến cho hai lô pin từ hai nhà cung cấp khác nhau lại có thể mắc những lỗi nghiêm trọng khiến pin phát nổ. Thay vào đó, cả 4 công ty tham gia thử nghiệm Note 7 (bao gồm Samsung) đều có chung kết luận: các ranh giới của công nghệ đã bị đẩy đi quá xa và lỗi lầm đã xảy ra.
Cũng đồng tình với kết luận trên nhưng Sajeev Jesudas, Chủ tịch bộ phận Thương mại Người tiêu dùng của công ty UL nói thêm rằng sự cố cháy nổ do "nhiều nguyên nhân kết hợp lại" và việc điều tra cần phải được tiếp tục tiến hành để tìm ra "nguyên nhân cốt lõi".
Thiết kế pin liền khiến nguy cơ cháy nổ cao hơn?
Kể từ mẫu Galaxy Note 5 thì Samsung đã thiết kế viên pin liền với máy, tức là người dùng không thể mở nắp lưng và tự thay pin như Galaxy Note 4. Sản phẩm Galaxy Note 7 tiếp nối Note 5 với thiết kế pin liền và đã xảy ra sự cố cháy nổ. Phóng viên của trang CNet đã đặt câu hỏi với Samsung rằng tại sao hãng không thiết kế pin rời như Note 4? Nếu thiết kế pin rời hãng đã không phải thu hồi gần 3 triệu chiếc điện thoại trên toàn cầu? Samsung đã không trả lời câu hỏi trên.
Thực ra, thiết kế pin liền đã trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp di động. Nó giúp cho điện thoại mỏng nhẹ hơn và chống nước. Về mặt lý thuyết pin liền sẽ trụ được lâu hơn giữa các lần sạc so với pin rời.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Xét một cách toàn diện, Samsung đã phản ứng một cách tích cực với sự cố Note 7. Samsung đã giải thích thành công nguyên nhân cháy nổ. Người khổng lồ Hàn Quốc hứa hẹn sẽ thực thi 8 công đoạn kiểm tra pin ngặt nghèo trước khi xuất xưởng để ngăn ngừa các sự cố tương tự xảy ra. Ông Brannen tin rằng Samsung qua vụ việc này có thể đóng vai trò như một thành tố tích cực trong ngành công nghiệp di động, thúc đẩy việc cải tiến đảm bảo chất lượng cũng như kiểm tra nghiêm ngặt hơn tất cả các sản phẩm sử dụng pin lithium-ion.
Ông Brannen cũng cho biết Samsung đã thành lập một Ban cố vấn đảm nhiệm các công việc liên quan đến thiết kế pin. Đây là một công việc quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tương lai của hãng. Samsung cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với ngành công nghiệp chế tạo điện thoại di động, bởi vì pin lithium-ion là một công cụ đầy sức mạnh nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được thiết kế và chế tạo một cách đúng đắn.
Chúng ta phải dành lời khen ngợi cho sự dũng cảm của Samsung khi dám thừa nhận thất bại và tiến hành thu hồi trên toàn cầu gần 3 triệu chiếc Galaxy Note 7. Nhưng cũng phải thấy rằng, chính sự ngạo mạn và tự tin quá mức của Samsung khi đứng ở vị thế là công ty số 1 thế giới về sản xuất điện thoại di động đã dẫn họ tới thất bại này.
Mặc dù Note 7 đã "tiêu tùng", nhưng may thay các sản phẩm Galaxy S7 và S7 Edge vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Samsung cũng đang rục rịch cho ra mắt dòng điện thoại Galaxy S8 vào đầu tháng 4 tới. Có thể thấy sự ra mắt của Galaxy S8 là hơi chậm trễ so với thường lệ, khi mà Samsung vẫn tận dụng sự kiện Mobile World Congress tổ chức ở Barcelona vào tháng 2 hàng năm để ra mắt dòng sản phẩm Galaxy S. Nhiều người phỏng đoán Samsung cần thời gian để hiệu chỉnh lại kết cấu của S8, mở rộng nhiều không gian hơn cho viên pin.
Samsung cũng công bố sẽ tiếp tục gắn bó với dòng sản phẩm Note, mà cụ thể là sẽ cho ra mắt chiếc "Note 8 sáng tạo hơn, tốt hơn và an toàn hơn" – theo lời Chủ tịch Koh. Dòng Note thường được Samsung cho ra mắt vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Bên cạnh việc chứng minh phác đồ thử nghiệm pin mới sẽ làm hài lòng khách hàng, Samsung đã làm tất cả mọi thứ có thể để minh bạch sự cố phát nổ Galaxy Note 7. Vì thế, chúng ta cùng hy vọng "sau cơn mưa trời lại sáng".
Theo Diễn đàn Đầu tư