Vụ rò rỉ hé lộ cách tỷ phú Abramovich làm nên thành công của Chelsea
Tỷ phú Roman Abramovich đã liên tục bơm những khoản tiền lớn vào Chelsea kể từ khi mua lại câu lạc bộ này, thông qua một mạng lưới 'như mê cung' gồm các công ty ngoại biên.
Khi các cầu thủ Chelsea ăn mừng chiến thắng trong trận chung kết Champions League năm 2021, tỷ phú Nga Abramovich đã có lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng, theo Guardian.
Vị tài phiệt ấy không chỉ thay đổi Chelsea, mà còn thay đổi bóng đá. Chiến lược chi tiêu hào phóng của ông là một trong những yếu tố buộc các cơ quan quản lý bóng đá phải xem xét lại quy định, đề ra luật công bằng tài chính.
Gần đây, vụ rò rỉ hồ sơ Oligarch - chứa các tài liệu của công ty cung cấp dịch vụ tài chính MeritServus có trụ sở tại Cyprus - đã tiết lộ cách ông Abramovich biến Chelsea thành nhà vô địch thế giới.
Hồ sơ tiết lộ mạng lưới các công ty offshore (hay công ty ngoại biên - công ty đăng ký, hoạt động ở nước ngoài) như mê cung được dùng để chuyển tiền từ các khu vực thuộc "đế chế" của ông Abramovich đến Stamford Bridge, theo Guardian.
Những khoản đầu tư được đền đáp
Vào năm 2003, thời điểm ông Abramovich mua lại Chelsea, các quy tắc quản lý đầu tư bóng đá hầu như không tồn tại và rất ít nhà quan sát đặt câu hỏi về người đàn ông bí ẩn sẵn sàng cứu Chelsea khỏi những khoản nợ.
Ngay cả khi đó, rất nhiều người biết rằng tài sản của ông bắt nguồn từ Sibneft, một công ty dầu khí khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, hồ sơ tài chính của Chelsea cung cấp rất ít thông tin chi tiết về nguồn gốc của những khoản vay không lãi suất mà ông Abramovich bơm vào câu lạc bộ.
Tỷ phú Abramovich mua lại Chelsea với giá 140 triệu bảng (174 triệu USD) vào tháng 7/2003. Theo hồ sơ tài chính của Fordstam - công ty mẹ Chelsea, khoản vay không lãi suất đầu tiên sau khi ông Abramovich tiếp quản trị giá 224 triệu bảng. Tuy nhiên, số tiền đó không phải chứng minh nguồn gốc.
Hồ sơ Oligarch đã cung cấp góc nhìn mới. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy khoản vay ban đầu dành cho Fordstam đến từ Kelvedon Worldwide - một công ty được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) và thuộc sở hữu của ông Abramovich. Tiền từ Kelvedon đã tạo ra những thay đổi lớn.
Trong hai năm đầu tiên ông Abramovich sở hữu Chelsea, 382 triệu bảng đã được chuyển từ công ty này vào câu lạc bộ, tài trợ cho các bản hợp đồng lớn, trong đó có cầu thủ chạy cánh Arjen Robben và tiền đạo Didier Drogba.
Khoản chi dành cho chuyển nhượng trị giá 230 triệu bảng (khoảng 286 triệu USD) của Chelsea trong hai mùa giải đầu tiên đó vượt xa tổng chi tiêu của các đại gia châu Âu gồm Manchester United, Real Madrid và Juventus. Và khoản đầu tư đó đã nhanh chóng được đền đáp.
50 năm sau khi giành được chức vô địch đầu tiên ở Anh, câu lạc bộ này đã giành được hai chức vô địch liên tiếp vào năm 2005 và 2006. Sau đó, họ giành thêm 3 chức vô địch nữa, cũng như hai danh hiệu Champions League. Guardian gọi đây là một giai đoạn thành công kéo dài mà ít câu lạc bộ Anh nào sánh kịp.
Tuy nhiên, hồ sơ của MeritServus không chỉ cho thấy dòng tiền của nhà tài phiệt đã chảy vào Chelsea như thế nào trong kỷ nguyên vàng đó, mà còn làm sáng tỏ nguồn gốc.
Ông Abramovich là người thụ hưởng của Sara Trust, đơn vị sở hữu một thực thể có tên Kravin. Kelvedon Worldwide, công ty mẹ trực tiếp của Kravin, đã liên tục bơm các khoản vay không lãi suất trị giá hơn một tỷ bảng Anh vào Chelsea.
Một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã đến vào năm 2005, khi Gazprom, công ty dầu khí nhà nước Nga, mua 73% cổ phần còn lại của ông Abramovich trong Sibneft với giá 13 tỷ USD.
Theo thông tin của Guardian, ông Abramovich đã sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho Chelsea lên một tầm cao mới, thông qua một mạng lưới quốc tế gồm các công ty offshore.
Thay đổi Chelsea và bóng đá
Các khoản vay của Chelsea từ Kelvedon bắt đầu tăng nhanh, đạt 578 triệu bảng vào năm 2007 và hơn một tỷ bảng vào năm 2014.
Vào năm 2011, một báo cáo của một ủy ban thuộc Nghị viện Anh đã cân nhắc liệu việc chi tiêu hào phóng như vậy có thể bóp méo thị trường chuyển nhượng hay không.
Theo Guardian, Chelsea từng thoải mái vung tiền. Câu lạc bộ này đã phá kỷ lục chuyển nhượng của Anh vào tháng 7/2006 với hợp đồng trị giá 31 triệu bảng dành cho Andriy Shevchenko. Điều này được lặp lại một lần nữa vào năm 2011 nhằm chiêu mộ Fernando Torres từ Liverpool.
“Ông Abramovich đã biến bóng đá từ thú tiêu khiển của triệu phú thành thú tiêu khiển của tỷ phú”, Kieran Maguire, chuyên gia tài chính bóng đá, nhận định. Theo ông, việc tăng lương, chuyển nhượng,... đã đặt ra các tiêu chuẩn mới mà các câu lạc bộ khác phải cam kết.
Khi chi tiêu tăng lên, công ty kiểm toán KPMG đã nhiều lần viết thư cho A Corp Trustee, một công ty có trụ sở tại Cyprus quản lý các quỹ tín thác liên quan đến khối tài sản của ông Abramovich.
Các tài liệu cho thấy ít nhất 6 lần, KPMG muốn đảm bảo rằng sẽ có đủ tiền để giúp câu lạc bộ thua lỗ này tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu UEFA ngày càng lo ngại về chi tiêu của các câu lạc bộ được những đại gia hậu thuẫn.
Sau quá trình đánh giá, UEFA năm 2011 đưa ra luật công bằng tài chính (FFP), một hệ thống các quy định nhằm kiểm soát việc chi tiêu.
“Nếu không có ông Abramovich và chủ sở hữu Manchester City Sheikh Mansour, chúng tôi sẽ không có luật công bằng tài chính. Họ đã thay đổi ngành công nghiệp này”, ông Maguire nhận định.
Một nguồn tin thân cận với Chelsea cho biết câu lạc bộ này luôn hành động một cách chuyên nghiệp và có thiện chí. Theo nguồn tin, “khi thích hợp, các giao dịch và trao đổi giữa Chelsea và bất kỳ câu lạc bộ nào đều có sự tham gia của các cố vấn chuyên nghiệp bên ngoài để đảm bảo tuân thủ đầy đủ tất cả luật, quy tắc và quy định”.
Vào thời điểm FFP được đưa ra, câu lạc bộ Chelsea khi đó đã tự chủ được tài chính. Khi các lệnh trừng phạt của Anh buộc ông phải bán câu lạc bộ vào năm 2022, tỷ phú Abramovich đã xóa nợ cho Chelsea.
Theo nguồn tin của TASS, trước khi bán "The Blues", đại diện của vị tỷ phú khẳng định toàn bộ số tiền bán câu lạc bộ này sẽ được quyên góp cho một quỹ từ thiện.