Vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Hé lộ một 'va chạm' giữa Nga-Anh, chỉ thị từ Lầu Năm Góc liên quan Crimea?
Tài liệu quân sự bí mật của Mỹ bị rò rỉ những ngày qua trên mạng xã hội tiếp tục tiết lộ nhiều thông tin quan trọng.
Washington Post đưa tin, theo tài liệu trên, một máy bay chiến đấu Nga đã "suýt bắn hạ" một máy bay trinh sát của Anh vào năm ngoái.
Sự cố này bị cho là nghiêm trọng hơn những gì đã được tiết lộ, có thể xem là nguyên nhân trực tiếp kéo Mỹ cùng các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào xung đột ở Ukraine.
Vụ việc xảy ra hôm 29/9/2022 ngoài khơi Bán đảo Crimea, khu vực mà Nga giành quyền kiểm soát từ năm 2014 và được sử dụng làm căn cứ cho Hạm đội hải quân Biển Đen và là nơi triển khai các chiến dịch nhằm vào những khu vực khác tại Ukraine.
Tài liệu bí mật đề cập sự cố trên như một "vụ việc suýt bắn hạ RJ của Vương quốc Anh", ám chỉ biệt danh "Rivet Joint" của máy bay trinh sát RC-135. Máy bay này được sử dụng để thu thập các đường truyền vô tuyến và các thông tin điện tử khác.
Hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tiết lộ vụ việc trên với Hạ viện nước này, nói rằng, 2 máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận và chặn chiếc RC-135 trong không phận quốc tế trên Biển Đen.
Khi đó, ông Wallace cho hay, một trong những máy bay của Nga đã "phóng tên lửa" ở khoảng cách xa, song không mô tả đây là một vụ suýt bắn hạ mà là do "trục trặc kỹ thuật". Ông Wallace cũng đã trao đổi với quan chức quốc phòng Nga về vụ việc này.
Bộ Ngoại giao Nga từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đen do các hành động khiêu khích liên tục của Mỹ và NATO.
Cũng theo tài liệu này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đã ra lệnh cho các phi công Không quân nước này không được bay gần bán đảo Crimea.
Trong số các tài liệu bí mật bị rò rỉ, có một bản đồ Biển Đen chỉ ra những khu vực mà máy bay không người lái (UAV) do thám Mỹ có thể bay tới. Ranh giới của chúng cách bờ biển Crimea khoảng 19,3 km "phù hợp với luật pháp quốc tế".
Một đường khác trên bản đồ, vẽ cách bán đảo 80,4 km đánh dấu dòng chữ "SECDEF Directed Standoff". Theo Washington Post, nó chỉ ra rằng, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã ra lệnh cho các phi công Không quân Mỹ "duy trì máy bay tránh xa" Crimea.
Giới chức quốc phòng Mỹ và đại sứ quán Anh ở Washington từ chối bình luận về nội dung tài liệu bị rò rỉ, trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Washington chưa đưa ra bình luận.
Liên quan vụ rò rỉ tài liệu mật này, ngày 9/4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, nước này đang triển khai một hoạt động liên ngành nhằm đánh giá tác động của nó đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác.
Bộ trên nêu rõ trong một tuyên bố: "Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát và đánh giá tính hợp lệ của các tài liệu được chụp lại, đang lưu hành trên các trang mạng xã hội, có thể chứa nội dung mật và nhạy cảm".
Bộ Tư pháp Mỹ trước đó cho biết đã bắt đầu điều tra vụ rò rỉ các tài liệu quân sự mật song "từ chối bình luận thêm".