Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?

Khu vực nhảy dù được các phi công tính toán rất chính xác. Trong tình huống 'nghìn cân treo sợi tóc như vậy', Trung tướng Phạm Trường Sơn cho rằng, các phi công đã vượt qua bằng nghị lực, bản lĩnh và sự đoàn kết...

Trung tướng Phạm Trường Sơn (phải) xúc động ôm Đại tá Nguyễn Văn Sơn khi Đại tá Sơn vừa được lực lượng tìm kiếm đưa từ trên núi xuống. (Ảnh: BĐO)

Trung tướng Phạm Trường Sơn (phải) xúc động ôm Đại tá Nguyễn Văn Sơn khi Đại tá Sơn vừa được lực lượng tìm kiếm đưa từ trên núi xuống. (Ảnh: BĐO)

Sáng 7/11, Trung tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đến Bệnh viện Quân y 13 (đóng tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thăm hỏi sức khỏe 2 phi công trong vụ máy bay Yak-130 của Trung đoàn Không quân 940 (thuộc Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân) rơi vào sáng 6/11.

Hai phi công là Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân - Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940. Hiện tại, sức khỏe của 2 phi công đều ổn định.

Tại Bệnh viện Quân y 13, Trung tướng Phạm Trường Sơn và ông Phạm Anh Tuấn đã ân cần thăm hỏi sức khỏe của 2 phi công, đồng thời bày tỏ niềm vui khi 2 phi công đã vượt qua khó khăn, nhảy dù thoát nạn và được lực lượng chức năng tiếp cận đưa trở về an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn hỏi thăm sức khỏe Đại tá Nguyễn Văn Sơn. (Ảnh: Đình Phùng)

Ông Phạm Anh Tuấn hỏi thăm sức khỏe Đại tá Nguyễn Văn Sơn. (Ảnh: Đình Phùng)

Thông tin về vụ rơi máy bay, Trung tướng Phạm Trường Sơn cho biết, khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng chính bên phải không ra. Đây là một tình huống cực kỳ phức tạp, trong chỉ lệnh bắt buộc phi công phải bung dù.

“Việc phi công quyết định nhảy dù là hoàn toàn chính xác. Bởi trong trường hợp này máy bay không được hạ cánh khẩn cấp ở đường băng, việc hạ cánh sẽ gây cháy nổ và phi công hy sinh ngay”, Trung tướng Sơn nói.

Cũng theo Trung tướng Sơn, khu vực nhảy dù được các phi công tính toán rất chính xác. Các phi công điều khiển máy bay về hướng núi, cách sân bay hơn 20km rồi nhảy dù. Đây là hành động vô cùng dũng cảm của các phi công để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

“Chúng tôi rất thương anh em. Trong tình huống như vậy, anh em đã vượt qua bằng nghị lực, bản lĩnh và sự đoàn kết”, Trung tướng Sơn chia sẻ.

Trung tướng Phạm Trường Sơn và ông Phạm Anh Tuấn hỏi thăm sức khỏe Thượng tá Nguyễn Hồng Quân. (Ảnh: Trang Lê)

Trung tướng Phạm Trường Sơn và ông Phạm Anh Tuấn hỏi thăm sức khỏe Thượng tá Nguyễn Hồng Quân. (Ảnh: Trang Lê)

Trung tướng Sơn cho biết thêm, các đài ra đa đã xác định được khu vực lúc máy bay mất tín hiệu cuối cùng. Hiện tại, có 10 tổ, đội với nhiều lực lượng đang vào khu vực máy bay mất tín hiệu cuối cùng. Sau khi tìm được xác máy bay, lực lượng chức năng sẽ tiến hành giải mã hộp đen để xác định nguyên nhân.

Trước đó, sáng 6/11, Trung đoàn Không quân 940 tổ chức bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát, với máy bay Yak-130. Tổ bay do Đại tá Nguyễn Văn Sơn bay buồng trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân bay buồng sau.

Máy bay cất cánh lúc 9h55. Đến 10h38, khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không được, dù đã thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp. Phi công sau đó báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù.

Các phi công nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2 ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Đến chiều tối cùng ngày, cả 2 phi công đã liên lạc về đơn vị để báo cáo vị trí.

Đến khuya cùng ngày, các lực lượng chức năng đã đưa được 2 phi công ra khỏi vị trí bị nạn ở vùng núi xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Thời điểm lực lượng chức năng tiếp cận, sức khỏe các phi công đều ổn định.

Đình Phùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vu-roi-may-bay-quan-su-tai-binh-dinh-2-phi-cong-thoat-nan-bang-nghi-luc-ban-linh-va-su-doan-ket-post531141.html