Vụ rơi máy bay tại Ấn Độ: Yêu cầu kiểm tra công tắc nhiên liệu trên máy bay Boeing
Ngày 14/7, Cơ quan Quản lý Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã ban hành chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không trong nước kiểm tra khóa chốt công tắc nhiên liệu trên một số dòng máy bay Boeing, gồm dòng 787 và 737, trong bối cảnh Hàn Quốc cũng chuẩn bị đưa ra yêu cầu tương tự.

Xác máy bay Boeing 787 Dreamliner của Hãng hàng không Air India tại hiện trường vụ tai nạn ở Ahmedabad, Ấn Độ ngày 13/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Với vai trò là cơ quan giám sát thị trường hàng không lớn thứ ba và phát triển nhanh nhất thế giới, quyết định trên của DGCA khiến Boeing phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, đặc biệt khi máy bay của hãng này đang được khai thác bởi 3 trong số 4 hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ. Tương tự như Ấn Độ, mới đây một người phát ngôn của Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết các đợt kiểm tra tại nước này sẽ triển khai theo khuyến cáo năm 2018 của FAA, nhưng chưa nêu rõ mốc thời gian cụ thể.
Yêu cầu của Ấn Độ và Hàn Quốc được đưa ra bất chấp khẳng định gần đây của hãng Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) rằng các khóa chốt công tắc nhiên liệu trên máy bay Boeing vẫn đảm bảo an toàn. Ngày 13/7, truyền thông Mỹ dẫn tài liệu nội bộ và một số nguồn thạo tin cho biết Boeing và FAA đã âm thầm thông báo cho các hãng hàng không và cơ quan quản lý rằng hệ thống khóa công tắc nhiên liệu trên máy bay Boeing vẫn an toàn, do đó không yêu cầu kiểm tra.
Phía Boeing và FAA đều chưa có phản hồi chính thức liên quan các thông tin trên.
Trong khi đó, một số hãng hàng không khác trên thế giới cho biết đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu tự kiểm tra hệ thống công tắc nhiên liệu. Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản khẳng định an toàn là ưu tiên hàng đầu, tuyên bố đang theo dõi sát cuộc điều tra và sẽ triển khai mọi hoạt động kiểm tra cần thiết dựa trên kết luận của cơ quan chức năng.
Một nguồn thạo tin cho biết cuối tuần qua, hãng hàng không Air India đã bắt đầu kiểm tra cơ chế khóa công tắc nhiên liệu trên các máy bay Boeing 787 và 737 trong đội bay của mình và đến nay chưa phát hiện vấn đề nào. Theo nguồn tin này, khoảng 1/2 số máy bay 787 của hãng đã được kiểm tra, trong khi gần toàn bộ đội bay 737 cũng đã hoàn tất kiểm tra. Việc rà soát dự kiến sẽ hoàn thành trong 1-2 ngày tới. Trong báo cáo nội bộ công bố ngày 14/7, Giám đốc điều hành (CEO) hãng hàng không Air India Campbell Wilson cho biết cuộc điều tra vụ tai nạn vẫn còn đang trong giai đoạn đầu và kêu gọi tránh đưa ra kết luận vội vàng sau khi báo cáo sơ bộ được công bố.
Trước đó, báo cáo sơ bộ công bố ngày 11/7 cho thấy chiếc Boeing 787 Dreamliner của Air India gặp nạn sau khi 2 công tắc nhiên liệu gần như đồng thời bị chuyển từ chế độ hoạt động sang chế độ ngắt chỉ vài giây sau khi cất cánh, dẫn đến mất lực đẩy và rơi xuống. Báo cáo dẫn lại trao đổi trong buồng lái cho thấy có sự nhầm lẫn giữa hai phi công về việc ai đã kích hoạt các công tắc, đồng thời ghi nhận rằng turbine khí nén khẩn cấp (ram air turbine - RAT) đã tự động kích hoạt ngay sau khi máy bay rời đường băng – dấu hiệu cho thấy động cơ mất điện. Tại hiện trường, công tắc nhiên liệu được tìm thấy ở trạng thái hoạt động, và có dấu hiệu cho thấy động cơ đã khởi động lại trước khi máy bay rơi ở độ cao thấp.
Báo cáo cũng lưu ý rằng máy bay chưa từng được kiểm tra khóa chốt công tắc nhiên liệu theo khuyến cáo năm 2018 của FAA, do văn bản này không mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, theo báo cáo, module điều khiển ga – tích hợp công tắc nhiên liệu, đã được thay thế trên chiếc máy bay gặp nạn vào các năm 2019 và 2023. Điều này cho thấy đây không phải là thiết bị cũ hay chưa từng bảo trì mà đã từng được thay thế trong quá trình khai thác. Thông tin này đang được các cơ quan chức năng xem xét trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Tai nạn xảy ra hồi tháng trước đã khiến 260 người thiệt mạng, được coi là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua.