Vụ sa thải chấn động châm ngòi cuộc điều tra ngoại trưởng Mỹ
Qua việc cách chức tổng thanh tra Bộ Ngoại giao, Tổng thống Trump tạo cớ cho phe Dân chủ xúc tiến điều tra cáo buộc ngoại trưởng Mỹ lạm dụng nguồn lực chính quyền cho bản thân.
Kể từ năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã liên tục phải né tránh những chất vấn về việc sử dụng nguồn lực chính quyền sai mục đích. Hồi tháng 1/2019, nhiều bản tin dẫn các lời các nhà ngoại giao giấu tên phàn nàn việc phu nhân của ông Pompeo - bà Susan Pompeo - đã tháp tùng chồng khắp Trung Đông giữa lúc chính phủ liên bang đóng cửa một phần.
Mùa hè 2019, một số thành viên quốc hội bắt đầu điều tra cáo buộc ông Pompeo bắt những nhân viên an ninh chạy đôn đáo cho những việc như lấy bữa ăn đặt trước ở nhà hàng hoặc đón chó từ tiệm tỉa lông.
Tháng 10/2019, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ kêu gọi bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt để tìm hiểu việc ông Pompeo sử dụng chuyên cơ và ngân sách của Bộ Ngoại giao trong những chuyến công du thường xuyên đến bang Kansas, nơi ông được cho là đang vận động tranh cử ghế thượng nghị sĩ.
Ngoại trưởng Pompeo và các quan chức khác ở Bộ Ngoại giao phủ nhận tất cả cáo buộc trên.
Tuy nhiên, sự việc một lần nữa được phơi bày trước công luận qua việc Tổng thống Trump đột ngột sa thải chánh thanh tra của Bộ Ngoại giao. Việc cách chức bất ngờ này được cho là theo yêu cầu của ông Pompeo, theo New York Times.
Cách chức để trả đũa?
Theo các nguồn tin phe Dân chủ, chánh thanh tra Steve A. Linick đang điều tra việc ông Pompeo ra lệnh sai mục đích đối với một quan chức để chạy việc cá nhân cho ngoại trưởng và phu nhân. Những công việc này bao gồm dẫn chó đi dạo, đến nhận quần áo đã giặt là, hoặc đặt chỗ ở nhà hàng.
Cuộc điều tra của ông Linick có thể không liên quan đến những cáo buộc trước đây nhằm vào ông Pompeo. Tuy nhiên, phe Dân chủ và những người chỉ trích cho rằng đó là biểu hiện liên tiếp của hành vi lạm dụng tiền thuế.
Do vậy, các nghị sĩ Dân chủ quyết định điều tra việc thanh tra Linick bị sa thải. Hạ nghị sĩ Eliot L. Engel và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, hai thành viên của phe Dân chủ trong các ủy ban về chính sách đối ngoại, khẳng định cuộc điều tra là nhằm xác định việc ông Linick bị cách chức có phải là chiêu trả thù giúp ông Pompeo tránh khỏi việc bị truy trách nhiệm hay không.
Nghị sĩ Engel nhấn mạnh Ngoại trưởng Pompeo phải giao nộp tất cả tài liệu theo yêu cầu. “Theo những gì tôi được biết thì việc chánh thanh tra Stephen Linick bị sa thải rất đáng lo ngại”, ông nói.
Dù ông Linick là chánh thanh tra thứ 4 liên tiếp bị ông Trump sa thải vì lý do không đủ trung thành với tổng thống, vụ việc của ông là trường hợp đầu tiên mà các nghị sĩ Dân chủ kêu gọi điều tra mục đích.
“Đúng là tổng thống có quyền sa thải bất kỳ viên chức chính quyền liên bang nào. Nhưng nếu chuyện này là nhằm trả đũa cho cuộc điều tra mà vị thanh tra đang tiến hành thì đây có thể là hành vi phạm pháp”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trên kênh CBS.
Các trợ lý của ông Pompeo và Nhà Trắng không phản hồi trước mọi câu hỏi về việc cách chức thanh tra Linick.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, nổi bật là ông Mitt Romney và Charles E. Grassley, tỏ ra bất đồng với quyết định cách chức của ông Trump.
Cáo buộc lạm dụng nguồn lực công
Ông Pompeo tham gia nội các của ông Trump ngay từ những ngày đầu tiên, bắt đầu với chức giám đốc CIA cho đến khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng từ tháng 4/2018.
Vụ bê bối mới nhất này có thể trở thành thách thức cho tham vọng chính trị của ông Pompeo. Một số nguồn tin nói ông có ý định tranh cử tổng thống vào năm 2024, hoặc gần nhất là kế hoạch ứng cử vào thượng viện khi đảng Cộng hòa có nguy cơ đánh mất kiểm soát tại viện này sau cuộc bầu cử tháng 11.
Từng là nghị sĩ nên ông Pompeo hiểu rõ hơn ai hết ảnh hưởng của một cuộc điều tra do quốc hội khởi xướng đối với sự nghiệp của một chính trị gia. Ông từng thuộc nhóm nghị sĩ quốc hội thúc đẩy điều tra vai trò của bà Hillary Clinton khi còn làm ngoại trưởng, trong vụ sứ quán Mỹ bị tấn công ở Libya năm 2012 khiến bốn nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng.
Bê bối hiện tại đối với ông Pompeo thì nghiêng về cá nhân nhiều hơn. Dù các ngoại trưởng Mỹ thường dẫn theo bạn đời trong những chuyến công du, một số quan chức ngoại giao nói bà Pompeo, một cựu lãnh đạo ngân hàng, tỏ ra tích cực hơn trong việc tổ chức các buổi gặp mặt hoặc đi cùng chồng trong những chuyến công du.
Những chuyến công tác thường xuyên của ông Pompeo đến bang Kansas vào năm ngoái cũng vấp phải chỉ trích. Ông đến bang này 4 lần, trong đó ba lần là sử dụng máy bay của Bộ Ngoại giao dưới danh nghĩa công tác chính thức. Tuy nhiên, phe chỉ trích thì cho rằng đây là những buổi vận động ngầm cho kế hoạch của ông Pompeo để ứng cử thượng viện năm 2020.
Tờ Kansas City Star thậm chí kêu gọi ông Pompeo hãy từ chức ở chính phủ liên bang để tập trung vào kế hoạch tranh cử thì hơn. Không lâu sau, các nghị sĩ Dân chủ ở cả hạ viện và thượng viện yêu cầu tìm hiểu về cáo buộc lạm dụng nguồn lực sai mục đích này.