Vụ sản phụ tử vong ở Đà Nẵng: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'

Sao không cảnh báo từ sớm, khi xuất hiện lo ngại về an toàn mà phải đợi khi có sự cố mới đi tìm nguyên nhân?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm sản phụ bị tai biến sản khoa sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy tại Đà Nẵng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm sản phụ bị tai biến sản khoa sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy tại Đà Nẵng

Liên quan đến vụ việc 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ khác đang nguy kịch sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy (do Ba Lan sản xuất) tại Đà Nẵng vừa qua (Báo Giao thông có nhiều tin bài phản ánh), một thông tin khiến nhiều người không khỏi sửng sốt là: Sở Y tế TP Cần Thơ đã thay đổi loại thuốc này từ tháng 4/2019 và chuyển sang dùng loại thuốc gây tê khác xuất xứ từ Pháp với giá cả tương đương.

Lý do mà địa phương này đưa ra là "Trong quá trình sử dụng thuốc trúng thầu Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy tại một số địa phương như Long An, Bến Tre, Cần Thơ... thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật".

Văn bản của Sở Y tế tỉnh Cần Thơ gửi đích danh đến Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1. Thế nhưng, trước những vấn đề "khả nghi", loại thuốc này vẫn được sử dụng rộng rãi và không có một cảnh báo hay khuyến cáo nào được đưa ra từ các cơ quan chức năng.

Cụ thể, sau khi xảy ra sự việc đau lòng tại địa phương, Dược sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP Đà Nẵng) nói trước các phóng viên báo, đài rằng: Sở Y tế TP Đà Nẵng chưa nhận được bất cứ văn bản hay giấy tờ gì của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cảnh báo, khuyến cáo về loại thuốc này.

Ngày 21/11, trả lời báo chí tại Bệnh viện Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, phải kiểm tra lại và vẫn chưa dám có khuyến cáo liên quan đến loại thuốc gây tê trên. Hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng, đối với thuốc cần phân tích độ an toàn, có độc chất hay nhiễm trùng hay có tạp chất không.

Rõ ràng, về nguyên tắc, để kết luận một sự việc cần có sự phân tích chuẩn xác, minh chứng rõ ràng, bằng chứng cụ thể. Thế nhưng, những vấn đề bất thường về loại thuốc gây tê này đã xuất hiện từ tháng 4/2019 qua văn bản của Sở Y tế tỉnh Cần Thơ.

Tiếp đó là kết quả kiểm nghiệm lô thuốc Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy (Bupivacain hydroclorid 5mg/ml) tại Hà Nội không đạt tiêu chuẩn chất lượng vào tháng 7/2019. Lúc đó, Cục Quản lý dược đã yêu cầu các bên liên quan thông báo tới tất cả các cơ sở kinh doanh, bệnh viện, phòng khám đã và đang sử dụng Bupivacain tạm dừng ngay việc sử dụng lô thuốc này.

Những dấu hiệu bất thường đã xảy ra nhưng không có sự khuyến cáo nào từ Cục quản lý dược. Để đến vụ tai biến y khoa nghiêm trọng tại Đà Nẵng thì các Sở Y tế Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mới giật mình tạm dừng sử dụng loại thuốc trên.

Sao không phải là sự cảnh báo từ sớm khi vừa xuất hiện sự bất thường mà phải đợi khi có sự cố mới đi tìm nguyên nhân? Không lẽ chúng ta vẫn muốn tiếp diễn chuyện "mất bò mới lo làm chuồng"?

Hứa Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-san-phu-tu-vong-o-da-nang-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-d442800.html