Vụ sập cầu Phong Châu: Cử tri từng kiến nghị đầu tư thay thế
Trước khi cầu Phong Châu sập, vào năm 2022, cử tri Phú Thọ từng có kiến nghị thay thế cây cầu này. Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến về việc này.
Như Báo Công Thương đã thông tin, sáng 9/9, hai nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) bất ngờ đổ sập khiến một số người và phương tiện đang lưu thông trên cầu bị rơi xuống sông.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu. Theo báo cáo sơ bộ, hiện có khoảng có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi.
Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông. Tuy nhiên, giải pháp cứu hộ hiện nay đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, cầu Phong Châu là tuyến lưu thông huyết mạch nên cần phải sửa chữa khôi phục ngay.
Trước đó trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, ngay khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để đảm bảo công tác an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, 3 nạn nhân đầu tiên trong vụ sập cầu Phong Châu được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cấp cứu. Đại diện Trung tâm Y tế Tam Nông cho biết, đơn vị này đang chụp chiếu, xét nghiệm xử trí cho 3 bệnh nhân để xác định mức độ và tình trạng chấn thương.
Trung tâm cũng cử hai đội cấp cứu cơ động, hai xe cứu thương đến hiện trường, mang đầy đủ thuốc, vật tư, cáng, bình oxy... để sẵn sàng ứng cứu, xử trí. Khoa hồi sức tích cực dồn toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đây sang phòng khác để dành tiếp nhận cấp cứu trong tai nạn. Các bác sĩ cũng thu dọn Khoa ngoại để xử trí ca bệnh nặng, cần phẫu thuật.
Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao cũng đã điều động nhân lực, có mặt hiện trường để ứng cứu. Hiện chưa xác định được thương vong tai nạn do các cơ quan phải trích xuất camera và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn. Lực lượng chức năng huyện Lâm Thao và Công an tỉnh Phú Thọ đã phong tỏa cầu, điều tra nguyên nhân.
Cầu Phong Châu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380 m. Công trình được khánh thành năm 1995 và đưa vào sử dụng năm 1996 với tải trọng thiết kế H18-X60 gồm 8 nhịp. Trong đó, có 4 nhịp giản đơn dầm T33m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, ba nhịp dàn thép (66m+64m+80m) và một nhịp giản đơn dầm T21 m bằng bê tông cốt thép thường.
Năm 2013, cầu hư hỏng nặng, phải sửa chữa. Năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị nghiên cứu đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu.
Theo thông tin đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải vào ngày ngày 4/8/2022, Bộ Giao thông vận tải ban hành Văn bản số 7984/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Văn bản nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau :
“Tuyến Quốc lộ 32C qua địa bàn tỉnh Phú Thọ đến các tỉnh Tây Bắc có cầu Tứ Mỹ (thuộc địa phận huyện Tam Nông và huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) được xây dựng từ năm 1996 với trọng tải thấp (13 tấn) trong khi lưu lượng người và phương tiện qua lại thường xuyên rất lớn và cầu Phong Châu (thuộc địa bàn hai huyện: Tam Nông và Lâm Thao) được xây dựng từ tháng 7/1995, đã qua nhiều lần sửa chữa, đại tu; hiện nay bề rộng mặt cầu hẹp, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất thường xuyên. Để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân, đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng hai cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ hiện nay”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải trả lời, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, QL32C có điểm đầu tại giao cắt với QL2 (tỉnh Phú Thọ), điểm cuối tại giao cắt với QL37 (tỉnh Yên Bái), tổng chiều dài khoảng 117 km, trong đó chiều dài qua địa bàn tỉnh Phú Thọ khoảng 100 km.
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi bắt buộc; khởi công mới một số dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm.
Mặc dù trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư dự án hoàn chỉnh QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Km11+500 - Km21+158) với tổng mức đầu tư khoảng 160 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư.
"Đối với việc đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng hai cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ hiện nay, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ và sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực.
Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, trước mắt Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến", nội dung đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải nêu.