Vụ sập nhà phố cổ 43 Cửa Bắc, Hà Nội: Móng nhà cấp 4 nhưng xây tới 4 tầng

Lúc 3h sáng ngày 4/8, căn nhà 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình có 11 người ở trong đổ sập xuống, 8 người bị vùi lấp, 3 người kịp thoát ra ngoài. Sau đó nửa tiếng khoảng 300 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và người dân cùng hệ thống máy móc đã có mặt để thực hiện công tác cứu hộ. Cho đến 11h55 phút cùng ngày, nạn nhân cuối cùng đã được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Người dân xung quanh hoang mang

Tính đến chiều tối hôm 4/8, căn nhà 43 Cửa Bắc, phường Quán Thánh đổ sập xuống đã cướp đi sinh mạng 2 người và khiến 9 người khác bị thương. Sau hơn 8 tiếng cứu hộ không ngơi nghỉ, toàn bộ số người bị vùi lấp đã được đưa ra khỏi hiện trường. Hai người tử vong là chị Nguyễn Thị Hằng được tìm thấy lúc 11h 30. Trước đó, lúc 7h25, nạn nhân Nguyễn Văn Thanh cũng đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn.

Theo quan sát của PV Báo GĐ&XH, tại hiện trường, nhiều người dân ở phố Cửa Bắc vẫn không khỏi bàng hoàng trước vụ sập nhà. Bà Nguyễn Thị Lưu, một một người dân chứng kiến sự việc vẫn chưa hoàn hồn, run run kể, khoảng nửa đêm, trước lúc ngôi nhà 43 Cửa Bắc đổ sập, bà nghe thấy tiếng đào móng ngay nhà bên cạnh (nhà số 41) nên đã xuống nhắc nhở.

Người dân bàng hoàng theo dõi công tác cứu hộ.

Người dân bàng hoàng theo dõi công tác cứu hộ.

“Nhìn thấy họ đào, tôi cảnh báo là làm như thế này không ổn đâu, vì nhà số 43 họ xây lâu năm, nhà móng rất nông, như thế này thì sập mất. Tôi cảnh báo nhưng họ không nghe rồi cứ thế làm tiếp. Vừa về nhà được 15 phút thì nghe thấy tiếng đổ sầm. Vội ngó ra cửa sổ, tôi bàng hoàng khi thấy ngôi nhà số 43 đổ sập", bà Lưu kể.

Bà Đỗ Thị Tý (80 tuổi) có nhà ở phía sau nhà số 43 cho biết: “Đêm qua tôi về nhà con trai ở phố Tôn Đức Thắng, lúc hơn 3h sáng mọi người gọi điện báo nhà hàng xóm sập. Trong nhà tôi còn có gia đình em gái và em trai. Hoảng hồn, tôi chạy về nhà, may mắn làm sao mọi người vẫn bình yên”. Bà Tý cho biết hiện tại vẫn chưa biết được căn nhà của mình có bị ảnh hưởng bởi sự cố sập nhà 43 hay không.

“Mấy ngày nay, trời mưa suốt, căn nhà 43 này lại xây đã lâu. Thêm vào đó, nhà số 41 ở mặt đường Cửa Bắc đào móng sửa nhà. Rất có thể đó là nguyên nhân làm sập nhà số 43”, bà Tý nói.

Nhà xây bằng gạch và vữa bata nên độ kết dính kém

Hiện trường vụ sập nhà.

Hiện trường vụ sập nhà.

Nhiều người dân ở Cửa Bắc cho biết, nhà số 41 đào móng từ 22h đêm. “Hơn 3h sáng, tôi nghe tiếng động rất lớn, chắc cả vùng đều nghe thấy. Quanh nhà 43 bụi mù mịt cùng với đó là tiếng la hét thất thanh của một số người dân bên cạnh. Tôi cùng nhiều người chạy xuống thì đã thấy cảnh hoang tàn nên đã thông báo cơ quan chức năng", một người dân ở đây bàng hoàng kể lại.

Anh Nguyễn Văn Sơn, người chạy thoát từ trong ngôi nhà sập ra ngoài vẫn chưa hết sợ hãi kể lại: "Tối qua em mệt, ngủ sớm nên không biết mọi người ngủ lúc nào. Rạng sáng nay đang ngủ thì em giật mình khi thấy nhà đổ sập. Lúc đó quá hoảng loạn, em chỉ biết lao ra ngoài thoát thân".

Cũng theo nam thanh niên này, tường nhà đè vào người nhưng anh vẫn cố chạy ra ngoài.

Khoảng 4h sáng 4/8, có khoảng 300 chiến sĩ công an, quân đội cùng người dân… có mặt tại hiện trường tham gia cứu hộ. Đến trưa 4/8, đống đổ nát cơ bản đã được thu dọn. Ước tính hàng chục tấn bê tông, sắt thép đã được bốc đi. Lúc này, các chiến sĩ mới có thời gian lót dạ bằng những chiếc bánh mì, sữa và nước.

Cả buổi sáng, quanh khu vực nơi xảy ra sự việc, phố Cửa Bắc cấm người dân qua lại, hàng trăm người đứng ngoài hàng rào theo dõi lực lượng cứu hộ tìm kiếm và cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Thành, tổ dân phòng phường Trúc Bạch cho biết, bộ đội và công an được huy động giải cứu và có mặt tại hiện trường sớm nhất. Sáng sớm, những dân phòng như ông Thành cũng được huy động để tham gia cứu hộ. Theo ông Thành, nhiều người “chưa có miếng bỏ bụng” khi tham gia ứng cứu suốt hơn 8 giờ đồng hồ liên tục.

Cũng ngay trong sáng 4/8, Công an phường Trúc Bạch đã có báo cáo nhanh sự việc. Theo đó, ngôi nhà số 43 có tuổi đời từ khá lâu. Tiền thân của ngôi nhà này là nhà cấp 4. Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở 41 Cửa Bắc (nhà cạnh bên) đang sửa chữa đào móng nên có khả năng gây ảnh hưởng. Theo xác nhận của Công an phường Trúc Bạch cho biết, bà Vân đã xin phép sửa chữa và có công văn 1123/UBND - QLĐT của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình về việc chấp thuận khôi phục nhà cũ.

Đưa nạn nhân cuối cùng ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Đình Việt

Đưa nạn nhân cuối cùng ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Đình Việt

Đại tá Tô Mạnh Thắng, Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy thuộc Lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết, ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc chủ yếu làm bằng gạch và vữa bata, có độ dính kết không cao, chính vì vậy khi sập toàn bộ gạch đá và vữa đã bít đường khiến ống dẫn camera khó luồn vào trong để xác định nạn nhân.

Đại tá Thắng bổ sung: "Chúng tôi chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân phối hợp các thiết bị như máy cắt, máy phanh, các cột chống để tiến hành cứu nạn, cứu hộ, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ".

Chủ căn nhà sập 43 phố Cửa Bắc là ông Trần Anh Tuấn (sinh năm 1964) có hộ khẩu thường trú tại 63 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi nhà bị sập này có diện tích khoảng 30m2 được xây 3 tầng, tầng 1 và 2 là nơi kinh doanh ăn uống, tầng 3 là nơi ngủ của nhân viên và bếp ăn. Được biết, khoảng 21h tối 3/8, ông Tuấn đã yêu cầu chủ nhà số 41 dừng việc đào móng sửa nhà để không gây ảnh hưởng đến nhà mình nhưng mọi việc vẫn được tiếp tục nên mới ra nông nỗi.

Các nạn nhân giờ ra sao?

Theo thông tin của PV Báo GĐXH, 4 nạn nhân vụ sập nhà được chuyển vào Bệnh viện Xanh Pôn thì 2 bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe đã ổn định và được xuất viện từ sáng 4/8 là anh Trần Văn Minh (37 tuổi), Lê Hồng Minh (25 tuổi). Hai nạn nhân còn lại vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, ngay khi nạn nhân đầu tiên vụ sập nhà được chuyển vào, BV Xanh Pôn điều động các kíp trực nhanh chóng cấp cứu người bệnh. Trong số 4 nạn nhân nhập viện, 2 trường hợp nhẹ do bệnh nhân nhảy ra ngoài được khi nhà sập đã được xuất viện, kê đơn điều trị ngoại trú. Hai nạn nhân còn lại là Nguyễn Chí Thành (17 tuổi), Nguyễn Vĩnh Đua (34 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở do hội chứng vùi lấp. Hiện cả hai đang được theo dõi tại viện với nhiều vết thương phần mềm. Nạn nhân nhận biết được nhưng khó giao tiếp, được theo dõi tại khoa Phẫu thật thần kinh. Bệnh viện đã tiến hành chiếu chụp, theo dõi chấn thương phần mềm ngực, bụng. Nạn nhân cũng được chỉ định chụp sọ não không phát hiện tổn thương não. Cùng thời điểm, Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận hai nạn nhân vụ sập nhà, gồm một nam và một nữ.

Danh tính 8 nạn nhân vụ sập nhà (không tính 3 người kịp thoát ra): Nguyễn Vĩnh Đua (SN 1983); Trần Văn Dần (1986); Nguyễn Hồng Chiến (1990); Nguyễn Văn Thắng (1998); Nguyễn Văn Thành (tử vong), Nguyễn Văn Quang; Nguyễn Thị Hằng (tử vong), Nguyễn Thị Thoa.

Nhà cũ, nhà cổ gần ga Hà Nội cũng trong diện báo động

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải rà soát lại toàn bộ nhà ở các khu phố cổ để tránh thiệt hại tiếp theo. “Ví dụ như những nhà cũ, nhà cổ ở gần ga Hà Nội bây giờ, tôi thấy cũng nằm trong diện báo động. Các quận phải có kế hoạch cụ thể, nhất là những quận trung tâm, quận cũ trước đây – nơi tồn tại nhiều nhà đã xây dựng từ lâu đời, không còn kiên cố. Công tác rà soát theo kế hoạch cụ thể, không để người dân sống trong lo lắng”, bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết.

Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng quan ngại đến một số lý do chủ quan, như việc cơi nới, xây dựng trái phép. “Cần xem xét cả những yếu tố cơi nới, xây dựng trái phép từ phía người dân. Kết cấu chịu lực của một ngôi nhà chỉ ở mức độ nào đó, nếu vô tình hay cố ý tăng sức nặng, quá mức cho phép đương nhiên nó không thể chịu được và đổ sập. Nhất là như thông tin về nguyên nhân ban đầu khiến nhà 43 đổ sập, nếu nhà đã cũ thì những nhà bên cạnh xây dựng cũng phải có phương án cụ thể”, ĐB Khánh nói.

Q.Thành – Đ.Việt

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quanh-vu-sap-nha-pho-co-43-cua-bac-ha-noi-mong-nha-cap-4-nhung-xay-toi-4-tang-20160805074441113.htm