Vụ sáp nhập tỷ đô thất bại làm 'lãnh chúa' đế chế xuất bản rơi đài
Markus Dohle điều hành tập đoàn Penguin Random House toàn cầu với 11 CEO chi nhánh và là một nhân vật vĩ đại, được cả ngành công nghiệp xuất bản khao khát ký hợp đồng.
Penguin Random House đã trở thành nhà xuất bản lớn nhất sau cuộc sáp nhập năm 2013, do Markus Dohle đứng đầu, chứng kiến Random House nuốt chửng Penguin. Công ty được sáp nhập đã phủ bóng đen lên bốn đối thủ nhỏ hơn - Hachette, Macmillan, HarperCollins và Simon & Schuster. Nhưng Dohle muốn nhiều hơn thế, và ông dành phần lớn thời gian trong hai năm qua để đấu tranh mua lại Simon & Schuster. Kết quả, như những ai quan tâm tới xuất bản đã biết, vụ sáp nhập thất bại và Dohle đã từ chức. Đâu là lý do dẫn tới quyết định này?
Một sự nghiệp vĩ đại trong lĩnh vực xuất bản
Rất ít người trong giới xuất bản muốn vụ sáp nhập Simon & Schuster trị giá 2,175 tỷ USD của Penguin Random House xảy ra. Hầu hết đều cảm thấy Penguin Random House đã trở nên quan liêu, quá cồng kềnh và họ lo lắng rằng sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản sẽ trở nên khó khăn hơn nếu nó được thông qua.
Nhiều người đã cổ vũ cho vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, nhằm ngăn chặn sự hoàn thành của thỏa thuận. Sau một phiên tòa, Dohle đã bị tòa án từ chối tham vọng của mình. Nhưng quan trọng hơn, trong quá trình đó, những điểm yếu của đế chế xuất bản này đã bị chỉ ra.
Mặc dù Dohle tuyên bố ý định kháng cáo quyết định của tòa án, khi thỏa thuận này chính thức bị tuyên bố là đã chết sau khi Simon & Schuster bị công ty mẹ, Paramount, đưa khỏi bàn đàm phán. Ba tuần sau, vào ngày 9 tháng 12, Dohle từ chức.
Liệu việc hủy bỏ thỏa thuận giữa Simon & Schuster và Penguin Random House sẽ tốt hay xấu đối với ngành xuất bản, trên thực tế vẫn là một câu hỏi mở. Nhưng bất cứ ai cuối cùng mua được Simon & Schuster cũng sẽ không nổi tiếng hoặc được yêu thích như Dohle. Markus Dohle đã có một sự nghiệp vĩ đại trong lĩnh vực xuất bản.
Random House, nhà xuất bản nổi tiếng nhất của Mỹ, đã được mua lại bởi tập đoàn truyền thông Đức Bertelsmann vào năm 1998 và sáp nhập với Bantam Doubleday Dell. Đó là thời đại hợp nhất doanh nghiệp, kèm theo nhiều lời phàn nàn về sự thiếu cạnh tranh và nỗi sợ hãi về sự thiếu đa dạng của văn hóa. Tuy nhiên, xuất bản đã tự thích nghi.
Năm 2008, Bertelsmann giao Dohle phụ trách Random House. Không ai chắc chắn anh sẽ làm được. Thị trường ebook đang tăng trưởng và thời đại của báo in đang trên đà cáo chung. Dohle, khi đó 39 tuổi, không phải là người biên tập sách. Anh được đào tạo để trở thành một kỹ sư và đang điều hành bộ phận in ấn có lợi nhuận cao của Bertelsmann.
Nhưng Dohle đã sớm chứng tỏ mình có hiểu biết về công việc kinh doanh cộng với trực giác nhạy bén và nền tảng của một kỹ sư đã cho phép ông phát triển một cơ sở hạ tầng phân phối khiến các nhà xuất bản khác phải ghen tị.
Và khi Dohle đạt được thỏa thuận năm 2013 kết hợp Random House với Penguin, ông thống trị một tập đoàn xuất bản toàn cầu với 11 CEO chi nhánh. Ông trở thành người đứng đầu ngành xuất bản, và là một nhân vật vĩ đại, được cả ngành công nghiệp khao khát ký hợp đồng cùng.
Ngay cả những biên tập viên khó chịu, cũng cảm thấy bị quyến rũ không ít thì nhiều.
Dohle đã có một sự nghiệp thành đạt. Nhà của ông ở Scarsdale, nhưng luôn cố gắng ghé vào các bữa tiệc sách quanh New York. Ông ngồi trong hội đồng quản trị của PEN America cùng Masha Gessen và Jennifer Egan, trở nên thân thiết với Dan Brown và Andrew Solomon, đồng thời đích thân thương lượng hợp đồng xuất bản sách với Tổng thống Barack Obama.
Đối mặt với các chiến binh chống độc quyền
Markus Dohle rất nhiều thiện chí. Nhưng chẳng bao lâu sau, đã có những lời xì xào rằng Dohle đã làm Penguin Random House quá lớn, cồng kềnh nên hoạt động không hiệu quả. Nó đã mất thị phần cho các đối thủ cạnh tranh nhanh nhẹn hơn. Khi Paramount muốn bán Simon & Schuster, Dohle nhận thấy khả năng sáp nhập sẽ là một cách bù đắp cho sự mất mát thị phần.
Sau khi tuyên bố ý định mua Simon &Schuster, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ với Dohle ngay lập tức. Các tổ chức như Hiệp hội những người bán sách Mỹ thường có mối quan hệ tốt với Penguin Random House nói chung và cá nhân Dohle đã bắt đầu công khai chỉ trích vụ sáp nhập. Trước thềm phiên tòa, chủ tịch Hiệp hội Tác giả, Douglas Preston, đã viết bài bình luận trên tờ Los Angeles Times chỉ trích vụ sáp nhập.
Tất cả những điều đó có thể không quan trọng lắm ngoại trừ việc môi trường pháp lý đã thay đổi mạnh mẽ. Thương vụ sáp nhập Random House và Penguin năm 2013 của Dohle được người của ông Obama thông qua mà không gặp vấn đề gì và khi Dohle công bố giá thầu Simon & Schuster vào tháng 11 năm 2020, ông không mấy lo sợ về những người được bổ nhiệm của Donald Trump, những người lúc đó đang điều hành Bộ Tài chính; họ đã phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập lớn hơn nhiều.
Nhưng sau đó là nhiệm kỳ của Joe Biden, dưới triều đại mới, các chiến binh chống độc quyền được tổng thống đưa lên lên nắm quyền lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Ông bổ nhiệm Lina Khan, người luôn hoài nghi về sáp nhập, điều hành Ủy ban thương mại liên bang (FTC) và đề cử Jonathan Kanter lãnh đạo bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp. Mới vào nghề, Kanter đã có một vụ sáp nhập hấp dẫn trước mắt.
Bộ Tư pháp đã kiện để ngăn chặn thỏa thuận của Penguin Random House, họ lập luận rằng năm công ty xuất bản lớn bị giảm xuống còn bốn công ty lớn sẽ gia tăng độc quyền mua, gây khó khăn cho các tác giả. Penguin Random House sẵn sàng lao vào cuộc chiến bảo vệ thỏa thuận, đã thuê cùng một nhóm pháp lý đã giúp đỡ thành công việc sáp nhập AT&T và TimeWarner. Vụ việc được Thẩm phán Florence Y. Pan thụ lý, một người được tổng thống Biden bổ nhiệm; đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong vai trò mới của bà.
Phiên tòa cuối cùng đã bắt đầu vào tháng 8 năm 2022, chỉ kéo dài ba tuần, nhưng đối với Dohle, nó dài và không vui vẻ gì. Bộ Tư pháp xoay quanh trường hợp các giao dịch sách hàng đầu - loại mà gần như chỉ năm công ty lớn mới có thể cạnh tranh - để cho thấy quyền lực trong xuất bản đã được tập trung như thế nào. “Nhà văn tự do” Stephen King đứng ra ủng hộ quan điểm của chính phủ.
Dohle và các giám đốc điều hành của ông đã phải giải thích rất nhiều về cách Penguin Random House đã hoạt động kể từ khi sáp nhập năm 2013.
Thông đồng giá nội bộ để bỏ thầu giá thấp
Cũng như các nhà xuất bản khác, Penguin Random House gồm nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản đều có hương vị và bản sắc riêng. Các dòng sách được nhóm lại thành các bộ phận. Penguin Random House bao gồm 94 chi nhánh - 37 chi nhánh dành cho trẻ em - trải rộng trên bảy bộ phận). Các bộ phận khác nhau hoạt động giống như các công ty riêng biệt, mặc dù tất cả đều được kết nối với cùng một cơ sở hạ tầng công ty, tranh giành các nguồn lực. Ba bộ phận chính trong Penguin Random House là Penguin Publishing Group (các chi nhánh bao gồm Riverhead, Penguin Classic, Viking...); Random House (có Ballantine Books, Bantam, Crown Trade...) và Knopf Doubleday Group (Alfred A. Knopf, Doubleday và Pantheon…).
Các nhà xuất bản trong PRH tự cạnh tranh để giành được các giao dịch sách với nhau, ngay cả khi chúng thuộc cùng một bộ phận. Điều đó giữ cho mọi thứ phát triển và cạnh tranh, đảm bảo bản sắc cá nhân và tính sáng tạo.
Nhưng sau đó thử nghiệm cho thấy rằng tất cả các xúc tu khác nhau trong PRH đang được kết hợp với nhau để tạo ra một loại quái vật xuất bản. Madeline McIntosh, Giám đốc điều hành được Dohle bổ nhiệm để điều hành hoạt động tại Mỹ, bắt đầu khuyến khích các bộ phận riêng biệt của PRH thống nhất giá với nhau trong khi cạnh tranh để giành được cùng một cuốn sách trong buổi đấu giá.
Có một tài liệu năm 2018 do McIntosh viết, nói về việc “tăng cường phối hợp nền tảng trong các cuộc đấu giá để tận dụng thông tin nhu cầu nội bộ tốt hơn và tránh tăng giá thầu nội bộ”.
Cách làm như vậy nghe có vẻ đơn giản giống như cách một công ty sẽ làm việc với khách hàng đối tác, nhưng việc xuất bản sách không hẳn chỉ là bán và mua. Thế nên, sự phối hợp giữa các bộ phận mà McIntosh chỉ đạo cho các bộ phận của Penguin Random House đã đặt ra một số vấn đề.
Vấn đề đầu tiên, ngay lập tức chính phủ đã chỉ ra các tài liệu và email của McIntosh làm bằng chứng về hành vi thực sự của Penguin Random House là đòn bẩy mà nó sử dụng để thao túng giá.
Vấn đề thứ hai là nó đã gây tai tiếng cho các đại diện văn học. Xuất bản sách là một ngành kinh doanh được xây dựng trên mối quan hệ giữa các biên tập viên và đại diện văn học làm việc cùng nhau trong nhiều năm.
Các đại diện văn học luôn hoạt động theo thỏa thuận thiện chí với các nhà xuất bản rằng trong khi một số chi nhánh trong cùng một bộ phận có thể nói chuyện tại một cuộc đấu giá, thì các bộ phận riêng biệt về cơ bản không bao giờ thông đồng giá với nhau. Nếu việc thông đồng giá trở thành thông lệ, nó có thể dẫn đến rất nhiều lời đề nghị xuất bản tầm thường.
Dohle thừa hiểu các đại diện văn học nhạy cảm như thế nào với việc thông đồng giá. Đó là lý do tại sao, ngay sau khi thông báo ý định mua Simon & Schuster, ông ấy đã gửi cho tất cả các đại diện văn học một lá thư hứa hẹn rằng nếu thương vụ được thực hiện, Simon & Schuster kết hợp với Penguin Random House sẽ không bí mật thông đồng với nhau trong cuộc đấu giá xuất bản. Ông viết: “Chúng tôi tin rằng việc cho phép Simon & Schuster tiếp tục đấu thầu độc lập sẽ nâng cao hơn nữa khả năng tìm kiếm, cạnh tranh và xuất bản những cuốn sách hay nhất”. Nhưng sau đó là câu chuyện nội bộ Penguin Random House. Các đại diện văn học đã bắt đầu cảm thấy khó chịu.
Kỳ lạ là Dohle cũng không biết về mức độ phối hợp nội bộ mà McIntosh đang giám sát tại Penguin Random House và lần đầu tiên ông ấy biết về điều đó là trong thời gian chuẩn bị cho phiên tòa. Có vẻ như ông cũng không biết làm thế nào mà các giao dịch xuất bản đắt tiền trong chi nhánh lại được thông đồng với nhau. Bởi cấp dưới chỉ phải gọi ông khi cần phê duyệt các giao dịch vượt quá 2 triệu USD. Phiên tòa cũng đã làm công khai cách thức hoạt động của những thương vụ xuất bản cấp cao.
Biên tập viên không thích một nhà xuất bản quá lớn, vận hành cồng kềnh
Vấn đề đại diện văn học là vấn đề vi mô. Vấn đề vĩ mô là Penguin Random House có lẽ đã quá lớn so với lợi ích của chính nó. Ngày trước, khi nhà xuất bản còn nhỏ thì tài nguyên được chia nhỏ có lẽ hữu ích hơn. Biên tập viên nào cũng thấy tuyệt vời khi có quyền truy cập vào tất cả cơ sở dữ liệu và tài nguyên mà Dohle đã xây dựng, một chút chất xúc tác của công ty lớn sẽ giúp ích cho việc xuất bản, nhưng bao nhiêu là đủ?
Trước phiên tòa, nhiều người trong giới xuất bản vẫn nghĩ việc Penguin sáp nhập với Random House đã diễn ra tốt đẹp nhưng phiên tòa đã buộc Penguin Random House phải tiết lộ họ đã đình trệ thế nào, việc vận hành nội bộ đã bất ổn ra sao. Penguin Random House đã quá lớn, và nếu thêm Simon & Schuster vào, nó sẽ thành một "quái vật" khổng lồ, điều đó sẽ làm cho toàn bộ ngành công nghiệp xuất bản dường như bị phá sản.
Từ góc độ của một biên tập viên, thì lời hứa xuất bản với Penguin Random House luôn mang theo sức mạnh của bộ phận phát hành và mối quan hệ với các nhà bán sách. Về mặt lý thuyết, với ảnh hưởng của người khổng lồ hoàn toàn có thể giúp một cuốn sách của biên tập viên được hiện diện tốt hơn trên thị trường.
Nhưng khi một nhà xuất bản trở nên quá lớn, với quá nhiều sách được xuất bản, bộ phận bán hàng phải đặt lên bàn cân lựa chọn những đầu sách nào bán chạy và thu hút được sự chú ý giúp công ty phát triển. Những cuốn sách nhận được tài nguyên tiếp thị thường là những thứ an toàn - hồi ký của người nổi tiếng hoặc sách của các tác giả đã được chứng minh là bán chạy.
Văn hóa doanh nghiệp này đã gây khó chịu cho các biên tập viên sáng tạo, những người bắt đầu việc biên tập sách với quan niệm lãng mạn về nghề nghiệp là sẽ khám phá những nhà văn mới và gắn bó với họ ngay cả khi hai cuốn sách đầu tiên của họ có không bán được, và luôn ngồi nguyền rủa bảng thống kê bán sách. Mọi thứ ở Penguin Random House đã trở nên đồng nhất và phải hoạt động theo quy tắc của từng bộ phận, và quy tắc dựa trên doanh số bán sách. Nhưng với những biên tập viên “lãng mạn”, việc xuất bản sách dựa trên dữ liệu là thiển cận.
Rõ ràng Dohle cũng lo lắng về mớ quản lý hỗn độn này. Khi tòa hỏi liệu Penguin Random House có quá nhiều cấp quản lý trong việc mua bản quyền xuất bản sách hay không. Anh trả lời: “Có”. Và trong một số thư từ bị công khai, Dohle cũng bày tỏ sự thất vọng về các hoạt động của Penguin Random House.
Cuộc tranh cãi về quản lý điều hành còn bị phiên tòa đặt ra một tình huống khó xử: Penguin Random House đang quá mức cồng kềnh để vận hành trơn tru, và nếu Dohle thất vọng vì hoạt động điều hành quản lý của Penguin Random House, thì tại sao anh lại nghĩ rằng mua một công ty lớn khác sẽ là giải pháp cho việc quản lý vận hành? Việc sáp nhập chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khó vận hành của nhà xuất bản.
Có một điều chắc chắn: Giờ đây Penguin Random House biết rằng họ không thể đơn giản mua/sáp nhập thêm bất kỳ nhà xuất bản đối thủ nào, mà họ phải quay lại vấn đề nội bộ.
Mới đây, cuốn sách của Hoàng tử Harry đang bán rất tốt, và tháng tới sẽ có cuốn tiểu thuyết mới của Rushdie, cuốn sách có khả năng thành công vang dội. Ban lãnh đạo hẳn đã rút được bài học từ vụ sáp nhập bất thành này rằng phải trả lại quyền lực cho các bộ phận nhỏ, để họ có thể tự tạo dấu ấn riêng cho mình.
Nhưng Dohle vẫn hiện diện trong giới xuất bản. Bertelsmann đang gọi anh là “cố vấn” cho Penguin Random House. Và hiện tại, ông vẫn ngồi trong hội đồng quản trị của một số cơ quan trong ngành, bao gồm PEN America và National Book Foundation.
Phó giám đốc điều hành thân cận nhất của ông, Nihar Malaviya, đang đóng vai trò là Giám đốc điều hành tạm thời. Ngay cả khi giới xuất bản đặt câu hỏi liệu Malaviya có uy tín biên tập để lấp đầy khoảng trống mà Dohle để lại hay không. Nhưng đó cũng là những gì họ nói về Dohle lúc đầu. Lãnh chúa nào rồi cũng sẽ có người kế vị.