Vụ sữa bột giả: Người mua phải sữa giả cần làm gì?
Theo luật sư, người tiêu dùng đã mua và sử dụng các sản phẩm sữa bột giả này, nếu có tổn hại đến sức khỏe hoặc tài chính nên chủ động làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan điều tra...
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan chức năng, những người trên đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Đến nay, đường dây của 2 công ty này đã sản xuất và bán ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai, đem lại doanh thu gần 500 tỉ đồng trong khoảng 4 năm.
Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.
Các bị can khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng ở một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả (sữa bột giả - PV).

Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV
Vậy người tiêu dùng đã mua và sử dụng các sản phẩm sữa giả này, nếu có tổn hại đến sức khỏe hoặc tài chính, họ cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trả lời phóng viên, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, vụ việc sản xuất và mua bán sữa giả có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cần phải bị xử lý trách nhiệm hình sự. Nếu người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm sữa giả, hoặc mua để buôn bán mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản (do mất tiền mua hàng), họ sẽ được cơ quan điều tra xác định là người bị hại và tham gia tố tụng với tư cách này.
Tuy nhiên, do có rất nhiều người đã mua và sử dụng sữa giả, cơ quan điều tra sẽ cần thời gian để xác minh và xác định đầy đủ danh sách những người bị hại. Vì vậy, những người bị thiệt hại có thể chủ động gửi đơn yêu cầu đến cơ quan điều tra, kèm theo chứng cứ chứng minh thiệt hại, để được xem xét tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại.
Khi đó, họ cũng có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng buộc người phạm tội bồi thường thiệt hại. Trường hợp chưa thu thập được đầy đủ chứng cứ về thiệt hại, người bị hại có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự riêng để yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường.
Người tiêu dùng có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản (số tiền đã bỏ ra mua sữa giả) cũng như thiệt hại về sức khỏe nếu có tổn hại xảy ra. Căn cứ pháp lý cho việc khởi kiện bao gồm: khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, người tiêu dùng được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Người sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất không bảo đảm chất lượng hàng hóa...
Theo Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Các vụ án dân sự thuộc lĩnh vực này sẽ được tòa án xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cạnh đó, theo Điều lệ hoạt động, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời, hội này cũng có nhiệm vụ hướng dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương, thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi người tiêu dùng phát hiện mình mua phải sữa giả hoặc khi hội phát hiện hành vi vi phạm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể tiếp nhận và xử lý phản ánh, hoặc chủ động kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vu-sua-bot-gia-nguoi-mua-phai-sua-gia-can-lam-gi-post844451.html