Vụ tai nạn của Jeju Air: Tại sao máy bay đổi đường băng?

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành điều tra chi tiết nguyên nhân vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air số hiệu 7C2216b khiến 179/181 thiệt mạng sau khi có thông tin về việc máy bay gặp nạn đã đổi đường băng trước khi hạ cánh.

Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố tiến hành phân tích nội dung giao tiếp giữa chiếc máy bay gặp nạn của Jeju Air và tháp điều khiển tại sân bay quốc tế Muan để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

 Nguồn: Sbs News

Nguồn: Sbs News

Quyết định này được đưa ra sau khi có ghi nhận rằng chiếc máy bay đã thực hiện quy trình hạ cánh không bình thường, cụ thể là đổi hướng 180 độ và hạ cánh khẩn cấp ở đầu bên kia của đường băng.

Cụ thể, vào lúc 8 giờ 57 phút sáng ngày 29.12, tháp điều khiển sân bay Muan đã cảnh báo chiếc máy bay về nguy cơ "va chạm với chim trời". Hai phút sau, lúc 8 giờ 59 phút, phi công phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday” và tiến hành tăng độ cao để thực hiện một vòng bay mới. Tuy nhiên, thay vì quay lại đường băng ban đầu (số 01), chiếc máy bay đã đổi hướng 180 độ và cố gắng hạ cánh xuống đường băng đối diện (số 19).

Trong quá trình này, chiếc máy bay không triển khai bộ phận hạ cánh (bánh đáp - landing gear) mà thực hiện hạ cánh bằng thân máy bay. Máy bay trượt dài trên đường băng và va vào thiết bị định hướng trước khi đâm vào tường bao sân bay, dẫn đến vụ nổ khiến máy bay vỡ thành hai phần.

Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết hiện tại chưa rõ liệu quyết định đổi hướng hạ cánh là do phi công tự đưa ra hay theo chỉ đạo từ tháp điều khiển. Tuy nhiên, trong các tình huống khẩn cấp, phần lớn các quyết định cuối cùng thường do phi công thực hiện. Điều kiện thời tiết tại thời điểm đó không có gì bất thường, với mức gió nhẹ (2 hải lý) từ góc 110 độ, cho phép sử dụng cả hai đầu của đường băng.

Các nhà chức trách đã thu thập hai hộp đen của máy bay, gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR). Những dữ liệu này sẽ được phân tích để làm rõ nguyên nhân của sự cố. Ngoài ra, nội dung giao tiếp giữa phi công và tháp điều khiển cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

Vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng, trong đó có 175 hành khách, 2 phi công và 2 tiếp viên. Hai tiếp viên may mắn sống sót do khi đó đang ở khu vực bếp ở phần đuôi máy bay, bị gãy rời khi máy bay đâm vào tường. Tính đến sáng ngày 30.12, danh tính của 142 nạn nhân đã được xác định.

Chiếc máy bay Jeju Air gặp nạn tại sân bay Muan vào ngày 29.12 là dòng Boeing 737-800 do hãng Boeing của Mỹ sản xuất. Đây là dòng máy bay phổ biến nhưng cũng không ít lần đối mặt với các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Chỉ trong vòng một ngày sau thảm kịch tại Muan, một sự cố tương tự với dòng máy bay này đã xảy ra tại Na Uy.

Dù Boeing 737-800 là dòng máy bay phổ biến và được sử dụng rộng rãi, những vấn đề liên quan đến hệ thống thủy lực, bánh đáp, và động cơ đã đặt ra câu hỏi lớn về độ tin cậy và an toàn của dòng máy bay này. Với sự cố tại Na Uy xảy ra ngay sau thảm kịch ở Muan, các chuyên gia và cơ quan quản lý hàng không đang đối mặt với áp lực lớn trong việc rà soát và đánh giá lại tiêu chuẩn an toàn của dòng máy bay này.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vu-tai-nan-cua-jeju-air-tai-sao-may-bay-doi-duong-bang-post400692.html