Vụ tai nạn Jeju Air: Phi công tắt nhầm động cơ trước khi máy bay rơi?

Ngày 21/7, một nguồn tin cho hay, cuộc điều tra do Hàn Quốc đứng đầu liên quan đến vụ tai nạn máy bay Jeju Air hồi tháng 12/2024 đã tìm ra bằng chứng cho thấy phi công đã tắt nhầm động cơ ít bị hư hại hơn sau khi máy bay va phải chim.

Có lỗi của phi công?

Theo nguồn tin trên, bằng chứng trong vụ việc bao gồm dữ liệu ghi âm buồng lái, dữ liệu máy tính và công tắc động cơ tìm thấy trong xác máy bay chỉ ra phi công đã tắt động cơ bên trái thay vì động cơ bên phải khi ứng phó khẩn cấp sau khi va phải chim, ngay trước khi máy bay chuẩn bị hạ cánh.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air (Ảnh: Reuters).

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, một nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết việc kiểm tra các động cơ thu hồi được cho thấy không có dấu hiệu hỏng hóc trước khi xảy ra va chạm với chim gây ra vụ tai nạn thảm khốc.

Mới đây nhất, ngày 19/7, các điều tra viên đã thông báo với thân nhân nạn nhân rằng động cơ bên phải của chiếc máy bay bị hư hại nặng hơn so với động cơ bên trái do va chạm với chim. Bên cạnh đó, có bằng chứng gián tiếp cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái.

Song, sau khi gia đình các nạn nhân phản đối quyết định từ ARAIB với lý do bản báo cáo có xu hướng quy trách nhiệm cho phi công mà chưa làm rõ đầy đủ các yếu tố liên quan, Cơ quan Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra, đã hủy kế hoạch công bố báo cáo cập nhật này cho báo chí.

Cả đại diện gia đình nạn nhân và công đoàn phi công Jeju Air đều yêu cầu cơ quan điều tra mở rộng phạm vi điều tra, bao gồm cả gờ đất mà giới chuyên gia hàng không nhận định đã góp phần gây thiệt hại nghiêm trọng trong vụ tai nạn.

Công đoàn phi công phản đối

Công đoàn phi công Jeju Air cáo buộc ARAIB gây hiểu lầm dư luận khi cho rằng động cơ bên trái không gặp vấn đề gì, trong khi thực tế có dấu vết của chim trong cả hai động cơ.

Mảnh vỡ của chiếc máy bay Jeju Air gặp nạn ở cuối đường băng sân bay Muan (Ảnh: Reuters).

Mảnh vỡ của chiếc máy bay Jeju Air gặp nạn ở cuối đường băng sân bay Muan (Ảnh: Reuters).

Bên cạnh đó, Công đoàn phi công Jeju Air còn chỉ trích cơ quan điều tra đang cố biến phi công thành "vật tế thần" mà không đưa ra bằng chứng khoa học – kỹ thuật chứng minh máy bay có thể hạ cánh an toàn chỉ với động cơ trái hoạt động.

"Tai nạn hàng không là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp và hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy lỗi thuộc về phi công. Trong khi đó, cơ quan điều tra vẫn đang im lặng hoàn toàn về trách nhiệm của các tổ chức có liên quan", Công đoàn phi công Jeju Air nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện các gia đình nạn nhân cho rằng báo cáo do ARAIB dự kiến công bố có chứa một số cụm từ có thể khiến dư luận hiểu lầm rằng cơ quan điều tra đã đi đến kết luận cuối cùng. Họ yêu cầu mọi khía cạnh liên quan đến vụ tai nạn phải được làm sáng tỏ hoàn toàn.

ARAIB hiện chưa đưa ra phản hồi trước yêu cầu bình luận. CFM International, nhà sản xuất động cơ, liên doanh giữa General Electric, Mỹ và Safran, Pháp cũng chưa phản hồi.

Trong khi đó, Jeju Air thông báo đang tích cực hợp tác với ARAIB và đang chờ công bố chính thức về kết quả điều tra.

Theo quy định quốc tế, hầu hết các vụ tai nạn hàng không đều được điều tra toàn diện và báo cáo cuối cùng dự sẽ được công bố trong vòng một năm kể từ thời điểm tai nạn.

Báo cáo sơ bộ vụ tai nạn máy bay Jeju Air được công bố hồi tháng 1 thông tin đã tìm thấy xác chim trong cả hai động cơ, nhưng không nêu rõ mức độ thiệt hại của từng động cơ.

Vụ tai nạn trên xảy ra ngày 29/12 khi chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air trượt khỏi đường băng sân bay Muan khi hạ cánh khẩn cấp không sử dụng càng và đâm vào một gờ đất chứa thiết bị định vị, gây cháy và phát nổ một phần khiến 179 trong số 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/vu-tai-nan-jeju-air-phi-cong-tat-nham-dong-co-truoc-khi-may-bay-roi-192250721143817289.htm