Tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc: Mối đe dọa đối với F-22 và B-21 của Mỹ

Trung Quốc, được cho là đang phát triển một loại tên lửa không đối không (AAM) siêu vượt âm, với tầm bắn lên đến 1.000km.

Theo Eurasian Times, nếu được triển khai thực tế, loại tên lửa này có thể khiến các lực lượng không quân đối phương buộc phải thận trọng hơn, thậm chí phải hạn chế cất cánh trong tình huống xung đột.

Bước nhảy vượt trội về tầm bắn

Để dễ hình dung, tầm bắn 1.000km gấp khoảng 5 lần so với Meteor (châu Âu) - một trong những tên lửa không đối không tiên tiến nhất hiện nay và vượt xa các tên lửa tầm xa như AIM-174B của hải quân Mỹ hay R-37M của Nga, vốn chỉ có tầm bắn khoảng 400km. Ngay cả tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất hiện nay của Trung Quốc PL-17, cũng chỉ đạt mức tương đương 400km.

Trong kịch bản thực chiến, chiến đấu cơ Trung Quốc được trang bị loại tên lửa này có thể tấn công mục tiêu trên không tại toàn bộ lãnh thổ đối thủ mà không cần rời khỏi không phận Trung Quốc. Điều này đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho các lực lượng không quân trong khu vực, buộc họ phải điều chỉnh toàn bộ học thuyết chiến đấu.

Đội hình gồm 4 tiêm kích Trung Quốc mang theo các cấu hình tên lửa không đối không khác nhau, trong đó có hai chiếc đặc biệt gây ấn tượng - Ảnh: Không quân Trung Quốc

Đội hình gồm 4 tiêm kích Trung Quốc mang theo các cấu hình tên lửa không đối không khác nhau, trong đó có hai chiếc đặc biệt gây ấn tượng - Ảnh: Không quân Trung Quốc

Tốc độ siêu vượt âm

Bên cạnh tầm bắn vượt trội, tốc độ của tên lửa cũng là yếu tố khiến giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Nó đạt vận tốc siêu vượt âm trong suốt hành trình bay.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo từ một cuộc tập trận mô phỏng năm 2023 cho biết, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa Tây Bắc (Trung Quốc) đã trang bị tên lửa này cho một mẫu máy bay thế hệ thứ 6, có khả năng bay lên gần rìa tầng khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ siêu vượt âm. Điều này khiến các máy bay đối thủ gần như không thể tránh được nếu bị khóa mục tiêu.

Trong biên chế quân đội Mỹ, cả B-21 Raider, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu cũng không thể đạt đến tốc độ âm thanh. Ngay cả tiêm kích F-22 - một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất, cũng chỉ có thể đạt tốc độ khoảng Mach 2, khiến việc thoát khỏi tên lửa này trở nên gần như bất khả thi.

Cách tên lửa siêu vượt âm hoạt động - Video: AiTelly

Sự phát triển của tên lửa không đối không

Tên lửa không đối không đã trở thành vũ khí chủ lực trong tác chiến đường không kể từ sau Thế chiến II. Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa AAM vào biên chế năm 1956 với AIM-9 Sidewinder, sử dụng đầu dò hồng ngoại để bám theo nhiệt từ động cơ máy bay địch. Tuy nhiên, phiên bản đầu của AIM-9 chỉ có thể tấn công mục tiêu từ phía sau, với tầm bắn khiêm tốn khoảng 2 - 5km và bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.

Sau đó, Liên Xô nhanh chóng phát triển K-5, một tên lửa dẫn đường bằng radar đơn giản, phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay phóng để giữ mục tiêu và kém linh hoạt khi tác chiến.

Tên lửa không đối không Mỹ AIM-9X Sidewinder - Ảnh: Eurasian Times

Tên lửa không đối không Mỹ AIM-9X Sidewinder - Ảnh: Eurasian Times

Qua các cuộc chiến như khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958 và chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965, AAM chứng minh vai trò quyết định trong không chiến.

Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, hầu hết tên lửa không đối không hiện đại đều thuộc nhóm BVR (beyond visual range - tấn công ngoài tầm nhìn) như AIM-120D (Mỹ), Meteor (châu Âu), PL-15 (Trung Quốc) hay R-37M (Nga), với tầm bắn dao động từ 200 - 400km.

Đặc biệt, R-37M đã được sử dụng hiệu quả trong cuộc xung đột tại Ukraine, với một vụ bắn hạ máy bay MiG-29 ở khoảng cách 213km vào năm 2024.

Khoảnh khắc một tên lửa không đối không R-37M được phóng từ máy bay tiêm kích Su-35 của Nga - Ảnh: Military Watch Magazine

Khoảnh khắc một tên lửa không đối không R-37M được phóng từ máy bay tiêm kích Su-35 của Nga - Ảnh: Military Watch Magazine

Công nghệ và ứng dụng chiến lược

Chuyên gia quốc phòng Patrícia Marins nhận định nếu thông tin từ phía Trung Quốc là chính xác, đây sẽ là “vũ khí thay đổi cuộc chơi” trong lĩnh vực không chiến, không chỉ vì tầm bắn xa mà còn vì khả năng làm lu mờ những tên lửa mạnh nhất hiện nay từ Nga và phương Tây.

Tuy nhiên, để dẫn đường cho tên lửa tầm xa 1.000km, Trung Quốc cần UAV tàng hình hoặc máy bay trinh sát có trần bay cao cung cấp dữ liệu mục tiêu từ xa.

Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa trong hầm gió mô phỏng môi trường sao Hỏa để kiểm tra khả năng chịu nhiệt và ma sát cực lớn khi bay siêu vượt âm. Ngoài ra, các UAV tàng hình của nước này hoàn toàn có thể bao phủ hàng trăm nghìn km², cung cấp dữ liệu mục tiêu cần thiết.

Dù tiềm năng đáng gờm, cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc có xu hướng phóng đại khả năng của các nền tảng vũ khí đang phát triển. Tên lửa này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và khả năng tích hợp hiệu quả vào hệ thống chiến đấu tổng thể, đảm bảo điều hướng chính xác ở tầm xa, xuyên thủng các hệ thống phòng vệ hiện đại sẽ là các yếu tố then chốt quyết định mức độ thực tế và ảnh hưởng chiến lược.

Tên lửa không đối không (AAM) là vũ khí chuyên dụng được phóng từ máy bay chiến đấu để tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay địch, trực thăng hoặc UAV. Loại tên lửa này thường đạt tốc độ siêu thanh (Mach -4), một số phiên bản tiên tiến gần ngưỡng siêu vượt âm (Mach 5+). Chúng được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại như radar, hồng ngoại hoặc laser, cho phép bám sát mục tiêu chính xác. Được sử dụng trên các máy bay chiến đấu như F-22 (Mỹ) hay Su-35 (Nga), tên lửa không đối không đóng vai trò quan trọng trong không chiến hiện đại, giúp đảm bảo ưu thế trên không và khả năng tiêu diệt mục tiêu từ xa.

Tên lửa siêu vượt âm (hypersonic) là loại vũ khí tiên tiến đạt tốc độ tối thiểu gấp 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200km/h. Khác với tên lửa siêu thanh (supersonic) thông thường (nhanh hơn âm thanh nhưng dưới Mach 5), tên lửa siêu vượt âm có khả năng di chuyển cực nhanh, khó bị phát hiện và đánh chặn.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ten-lua-sieu-vuot-am-cua-trung-quoc-moi-de-doa-doi-voi-f-22-va-b-21-cua-my-235196.html