Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái: Bài học đắt giá về kỷ luật an toàn lao động

Vụ tai nạn lao động đau lòng khiến 7 công nhân tử vong tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái thực sự là bài học đắt giá về kỷ luật an toàn lao động.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 22/4/2024, đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.

Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương là bài học đắt giá đối với người sử dụng lao động.

Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương là bài học đắt giá đối với người sử dụng lao động.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái và Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ các gia đình có các nạn nhân xấu số và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái để kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Yên Bái khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân tử vong và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân tử vong; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị thương. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Kỷ luật lao động cần phải siết chặt

Theo nhận định, vụ việc xảy ra tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều công nhân tử vong, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây đau thương, mất mát với nhiều gia đình.

Ngay sau sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã có mặt chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên bệnh nhân và gia đình có người thương vong.

Ngay sau sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã có mặt chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên bệnh nhân và gia đình có người thương vong.

Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ việc khởi động máy, bảo dưỡng, sửa chữa có đúng quy trình, quy định về an toàn lao động hay không? Việc chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật lao động của những người tham gia đã đúng chưa? Trách nhiệm trong công tác quản lý và vận hành dây truyền máy móc thiết bị thuộc về ai?

Vụ việc đau lòng nêu trên không chỉ là lời cảnh tỉnh đối với doanh nghiệp và người lao động mà còn lộ ra nhiều “lỗ hổng” về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ cả 2 phía.

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh Xã hội) năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động. Trong đó có 662 vụ tai nạn lao động chết người với 699 người. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.

Có lẽ, để ngăn ngừa tai nạn lao động, bên cạnh các quy định của pháp luật, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, mỗi người lao động cần tích cực, chủ động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động.

Hậu quả của việc vi phạm an toàn lao động là vô cùng to lớn cho bản thân người lao động, gia đình, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Vì thế, hãy nâng cao ý thức, hành động trong bất cứ thời khắc nào để những người ở lại không phải nói 2 từ "giá như".

Đối với vụ việc tại Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan liên quan chỉ đạo doanh nghiệp rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Lâm Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-tai-nan-lao-dong-nghiem-trong-tai-yen-bai-bai-hoc-dat-gia-ve-ky-luat-an-toan-lao-dong-316273.html