Vụ tài xế chống đối CSGT: Vì sao chuyển cho quân đội xử lý?
Luật sư cho biết do tài xế H. là cán bộ của Học viện Hậu cần nên theo quy định, vụ chống đối CSGT được giao cho cơ quan có thẩm quyền của quân đội giải quyết.
Liên quan việc ông L.M.H. (48 tuổi, cán bộ của Học viện Hậu cần) chống đối CSGT khi đỗ xe trái phép ở ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đơn vị đã bàn giao vụ việc cho lực lượng kiểm soát quân sự để xử lý theo quy định.
Theo dõi sự việc, nhiều người muốn biết những vụ việc nào sẽ được bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền của quân đội giải quyết.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết việc xử lý vi phạm được chia làm 3 lĩnh vực cơ bản.
Nếu vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự, công an, VKSND và TAND sẽ là những đơn vị có thẩm quyền xử lý. Đối với vụ việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, đơn vị giải quyết là cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao và TAND tối cao.
Hệ thống cơ quan điều tra thuộc quân đội, VKS quân sự và tòa án quân sự sẽ tiếp nhận, xử lý những vụ việc liên quan tới quân đội. Điều này được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân, người thuộc quân đội quản lý hoặc những vụ án mà bị cáo không thuộc người trong quân đội nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, những người thuộc quân đội quản lý.
Cơ quan điều tra thuộc quân đội có trách nhiệm điều tra còn VKS quân sự cùng cấp thực hành quyền công tố. Các cơ quan tố tụng của quân đội sẽ được phân thành 3 cấp là cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực.
Về lực lượng kiểm soát quân sự, theo Thông tư số 104/2010 của Bộ Quốc phòng, lực lượng này có những chức năng như kiểm tra, nhắc nhở, giúp đỡ quân nhân và phương tiện giao thông quân sự chấp hành đúng quy định ở ngoài doanh trại; phát hiện, ngăn chặn những người xâm phạm tính mạng quân nhân, tài sản quân đội hay phát hiện, tạm giữ quân nhân đào ngũ, quân nhân có hành vi phạm pháp quả tang và những người giả danh quân nhân. Lực lượng này không nằm trong hệ thống cơ quan tố tụng của quân đội.
Từ những quy định trên, luật sư Giáp cho biết vụ việc của ông H. được giao cho cơ quan có thẩm quyền thuộc quân đội xử lý vì tài xế này là quân nhân.
Do Học viện Hậu cần (đơn vị quản lý ông H.) trực thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng sẽ thụ lý, điều tra vụ việc. Nếu đủ căn cứ khởi tố, tài xế này sẽ bị đưa ra xét xử tại tòa án cùng cấp là Tòa án Quân sự Trung ương.