Vụ tài xế taxi Vinasun bỏ chạy: Vô cảm hay sợ làm phúc phải tội?
Trước thái độ của tài xế taxi và người qua đường trong vụ đôi nam nữ bị tông xe tại TP.HCM, nhiều ý kiến được dân mạng đưa ra tranh luận trên các diễn đàn.
3h ngày 25/6, đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương, hướng Bình Long đi Độc Lập (quận Tân Phú, TP.HCM) thì va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái.
Hai người bị văng lên vỉa hè sau cú tông mạnh. Sau đó, cô gái tử vong còn nam thanh niên bị thương nặng, được người dân gần đó đưa đi cấp cứu.
Đáng chú ý, theo hình ảnh được camera ghi lại, tài xế taxi sau khi gây tai nạn chỉ xuống xem xét nạn nhân một chút rồi bỏ đi.
Tiếp đó, trong số 17 người đi xe máy và một ôtô di chuyển ngang qua khu vực tai nạn, chỉ có một người đi xe máy dừng lại giúp đỡ đôi trai gái.
Khi được đăng tải, hình ảnh cặp trai gái nằm bất động trên vỉa hè và thái độ của tài xế taxi cùng những người đi ngang qua gây nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội.
Sự vô cảm?
Tài khoản Duy Trong Duy bày tỏ sự thất vọng khi có những người đi qua khu vực tai nạn mà không dừng lại giúp nạn nhân. Người này nhận xét tài xế taxi đáng trách 10 thì những người "thấy chết không cứu" cũng đáng trách 5, 6 phần.
"Thật không có tình người. Một cuộc điện thoại gọi cấp cứu hoặc cảnh sát thì tốn bao nhiêu, sao không có ai gọi vậy?", Duy Trong Duy viết.
Đồng ý kiến, Nguyen Hang kêu gọi mọi người thử đặt bản thân vào hoàn cảnh có người nhà bị tai nạn như vậy nhưng không được ai cứu, để thấy cách xử sự của những người xuất hiện trong clip đáng trách như thế nào.
"Ít nhất thì cũng nên gọi cấp cứu hoặc cảnh sát. Không nên thờ ơ đến mức ấy chứ. Thực sự thấy buồn vì tình người rẻ mạt quá", người này bày tỏ.
Minh Kiên cho rằng chuyện lái xe taxi gây ra tai nạn rồi bỏ chạy là đáng lên án, những người đi đường thấy nạn nhân nằm đó mà không giúp đỡ cũng không thể vô can.
"Trong chuyện này, mình không bênh được bên nào. Ai cũng có một phần lỗi nhưng trước khi bàn đến chuyện đó, tính mạng con người vẫn là trên hết. Thật buồn khi xã hội ngày càng hiện đại, lòng tin và sự cảm thông giữa người với người ngày càng ít đi", Minh Kiên viết.
Ở chiều ngược lại, Tiến Trường bày tỏ từ lâu không dám giúp đỡ khi thấy người nằm ngoài đường vào ban đêm, thậm chí không dám lại gần vì sợ "mang vạ". Theo Trường, thà bị nói là vô cảm nhưng có thể bảo vệ bản thân còn hơn là gặp rắc rối không đáng có.
"Không phải cậu gây tai nạn thì đưa vào viện làm gì", là câu nói Cao Phai nhớ mãi sau một lần giúp đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu.
Không những không được cảm ơn, thứ Cao Phai nhận lại là ánh nhìn nghi ngờ cùng câu nói lạnh lùng ấy từ người nhà nạn nhân.
Hãy hành động lý trí
Dù nhìn nhận từ phía nào, dân mạng đều đồng tình rằng không nên bỏ mặc người bị nạn trên đường hay ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, để tránh trở thành con mồi của nạn dàn cảnh cướp giật, mỗi người nên chọn cách xử lý phù hợp với hoàn cảnh.
"Để tránh phiền phức, hãy giúp bằng cách gọi 113, 114, 115. Tôi đã làm thế giữa đêm tối và cứu được một người đi xe máy bị tai nạn giao thông thành công", Đỗ Ngọc Sơn bình luận.
Ngọc Quỳnh cũng đồng tình với phương án để nguyên hiện trường và gọi cho các đơn vị chức năng xử lý.
"Tốt nhất là không động vào người nạn nhân hay sơ cứu bừa vì mình không có chuyên môn, lỡ đâu khiến tình trạng họ thêm nặng", Quỳnh nhận định.
Từng giúp đưa nhiều người vào bệnh viện sau tai nạn giao thông, Jimmy Bùi quan niệm cứu người là việc quan trọng nhất dù ở hoàn cảnh nào.
"Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là sợ bị liên lụy hay người nhà họ hành hung vì mạng người là trên hết. Tôi từng có không ít lần bị người nhà nạn nhân lao vào túm áo song cũng có nhiều trường hợp người nhà xin số điện thoại, địa chỉ rồi mang tiền đến cảm ơn nhưng tôi không nhận. Thậm chí có những người bây giờ là bạn tốt của tôi", Jimmy Bùi chia sẻ.