Vụ tấn công nhà máy dầu của Saudi Arabia: Trung Quốc lộ điểm yếu về nguồn cung năng lượng
Vụ tấn công Saudi Arabia làm lộ ra sự phụ thuộc lớn của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu...
Vụ tấn công cách đây hơn 1 tuần nhằm vào cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu rung chuyển, đẩy giá dầu tăng vọt.
Sau đó ít ngày, giá dầu đã "hạ nhiệt" nhờ tuyên bố của Saudi Arabia rằng phần sản lượng dầu mất mát trong vụ tấn công sẽ sớm được khôi phục. Tuy nhiên, theo trang CNN Business, vụ tấn công đã làm lộ ra một điểm yếu của Trung Quốc. Đó là mức độ dễ tổn thương của nước này trước sự gián đoạn nguồn cung dầu từ bên ngoài.
"Thế khó" của Trung Quốc
Là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất giới, Trung Quốc có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu từ các quốc gia khác. Trong những năm qua, Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này, nhưng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và thương chiến với Mỹ đã đặt Trung Quốc vào "thế khó". Hiện nay, mức nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia của Trung Quốc đang cao nhất trong nhiều năm.
Trung Quốc vốn nhập khẩu dầu chủ yếu từ Nga, Iran, Saudi Arabia và Mỹ. Tuy nhiên, nước này đã buộc phải cắt giảm nhập khẩu dầu từ ít nhất hai quốc gia trong số này.
Trong nửa đầu 2019, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 76% do cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran cũng giảm mạnh do lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên Iran.
Vì vậy, Trung Quốc phải tăng nhập khẩu dầu của Saudi Arabia để bù lại. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã trở thành nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc trong những tháng gần đây, chiếm tỷ trọng 18% trong nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong năm nay từ mức chỉ 14% trong năm 2018. Đây là lần đầu tiên trong hơn 5 năm Saudi Arabia vượt qua Nga về cung cấp dầu cho Trung Quốc, theo một báo cáo của công ty dữ liệu tài chính Refinitiv.
Bởi vậy, Trung Quốc không thể không lo lắng khi vụ tấn công mới đây khiến sản lượng dầu hàng ngày của Saudi Arabia giảm một nửa.
"Chúng tôi rất lo ngại về ảnh hưởng tiềm năng của vụ tấn công đối với nguồn cung dầu quốc tế và sự ổn định giá dầu", bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Ba.
Chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn năng lượng.
"Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng", ông Zhang Jianhua, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, nói trong một tuyên bố đăng trên website Chính phủ nước này vào tháng 8. "Làm thế nào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội luôn là vấn dedf só 1 cho phát triển năng lượng của chúng ta".
Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 70% lượng dầu mà nước này tiêu thụ, theo một báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp xăng dầu Trung Quốc. Báo cáo cho rằng con số này sẽ tăng lên mức 72% trong 2019.
Những nỗ lực xoay sở
Theo báo cáo trên, theo đà phát triển của nền kinh tế, Trung Quôc sẽ cần thêm dầu, nhưng sản lượng dầu trong nước không đáp ứng kịp và những nỗ lực xây dựng dự trữ dầu lửa chiến lược cũng không đạt mục tiêu đề ra.
Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Trung Quốc giảm 1,3%, còn 189 triệu tấn, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp. Mức sản lượng này bằng chưa đầy số 648 triệu tấn dầu mà Trung Quốc tiêu thụ trong 2018.
"Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong 2019", báo cáo viết.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Zhang - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc - nói rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Ông nói Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng đầu tư và hỗ trợ hoạt động thăm dò dầu khí để tăng sản lượng dầu trong nước.
Theo ông Zhang, những cố gắng như vậy sẽ giúp sản lượng dầu thô của Trung Quốc tăng nhẹ lên mức 191 triệu tấn trong năm nay và 200 triệu tấn vào năm 2022.
Trung Quốc không công bố số liệu về dự trữ dầu chiến lược. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, cơ quan thống kê của Trung Quốc cho biết nước này đã thiết lập được 9 điểm dự trữ dầu trên toàn quốc, với tổng công suất dự trữ 37,7 triệu tấn. Dựa trên mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong 2018, lượng dầu dự trữ như vậy chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong khoảng 3 tuần.
Năm 2008, Trung Quốc đặt mục tiêu sở hữu dự trữ dầu thô khoảng 85 triệu tấn vào năm 2020, ngang với Dự trữ Dầu lửa Chiến lược (SPR) của Mỹ - dự trữ dầu lớn nhất thế giới hiện nay.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 cho 2016-2020, Chính phủ Trung Quốc nêu mục tiêu tự đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng vào năm 2020.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất một Chiến lược An ninh năng lượng mới, kêu gọi đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, tăng cường quan hệ với các nước sản xuất dầu khí lớn, đẩy mạnh phát triển năng lượng thay thế, và khuyến khích sáng tạo công nghệ về năng lượng hạt nhân và ô tô chạy điện.
Tuy nhiên, trong một bài báo đăng hồi tháng 6, ông Lin Boqiang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng thuộc Đại học Hạ Môn, nói rằng Trung Quốc gặp khó trong việc giảm phụ thuộc vào dầu lửa vì ngành giao thông khổng lồ của nước này chiếm 70% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.
Theo ông Lin, cách hiệu quả nhất để Trung Quốc tăng cường an ninh năng lượng là đẩy mạnh sự phát triển của xe chạy điện, đường sắt cao tốc và những hệ thống giao thông hiệu quả hơn.
Áp lực lạm phát
Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang cùng lúc đối mặt nhiều khó khăn, gồm thương chiến với Mỹ, tăng trưởng giảm tốc, và khủng hoảng thịt lợn đẩy lạm phát tăng. Biến động giá dầu thế giới có thể khiến những khó khăn này thêm phần trầm trọng.
Giá dầu tăng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn, dẫn tới các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không còn nhiều dư địa để ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế. Áp lực lạm phát tăng sẽ khiến Trung Quốc ngần ngại với việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, bởi lãi suất giảm sẽ khiến lạm phát leo thang.
Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 2,8%, chủ yếu do giá thịt lợn tăng vì dịch tả lợn châu Phi khiến nước này mất khoảng 1/3 đàn lợn trong vòng 1 năm qua.
Hôm thứ Tư tuần trước, Trung Quốc tăng giá bán lẻ xăng và dầu diesel thêm 125 Nhân dân tệ (17,6 USD) mỗi tấn.
Một tuyên bố của Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của nước này, nói rằng việc tăng giá bán lẻ xăng dầu là do "những thay đổi gần đây của giá dầu quốc tế".