Vụ Tân Hiệp Phát và cách thức chiếm đoạt 767 tỷ đồng
Khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản...
Ngày 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Tân Hiệp Phát và đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (70 tuổi), Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Trần Quí Thanh và hai con gái đã cho một số người vay lấy lãi. Việc cho vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội cho vay lãi nặng.
Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
Đến khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, chủ tịch Tân Hiệp Phát và các đồng phạm đã chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất 452 của anh Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông. Tổng giá trị các tài sản là 767 tỷ đồng.
Cụ thể, bà Đặng Thị Kim Oanh là chủ tịch các Công ty Kim Oanh Đồng Nai và Công ty Thuận Lợi. Bà Oanh có mua 2 dự án là Minh Thành Đồng Nai và Nhơn Thành Đồng Nai.
Năm 2019, do khó khăn nên bà Oanh gặp ông Trần Quí Thanh vay 500 tỉ đồng nhưng được yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng lại 2 dự án trên; khi nào có trả tiền sẽ được hoàn lại.
Nhóm bà Oanh làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích theo chỉ đạo của ông Trần Quí Thanh.
Năm 2020, bà Oanh xin lấy lại các dự án nhưng phía ông Trần Quí Thanh không đồng ý nên bà Oanh làm đơn tố cáo.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Trần Quí Thanh đã lợi dụng việc cho vay để chiếm đoạt 2 dự án trên. Ngoài ra, ông Thanh còn chiếm đoạt 35 thửa đất của 3 cá nhân khác bằng cách thức tương tự.
Quá trình điều tra, ông Thanh không nhận tội nhưng công an kết luận có đủ căn cứ xác định ông này có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Thanh cũng được ghi nhận có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Theo kết luận điều tra, con gái ông Thanh là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đều là người có trình độ, có kinh nghiệm trong công tác quản trị doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát, có hiểu biết về pháp luật.
Bà Phương và bà Bích đều biết việc ông Trần Quý Thanh cho vay với lãi suất dưới cấu thành tội phạm của tội cho vay lãi nặng và cùng tham gia hoạt động cho vay theo chỉ đạo của bố mình.
Khi cho vay, bà Phương và bà Uyên không lập hợp đồng cho vay mà yêu cầu bên vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần trong dự án, chuyển nhượng bất động sản với giá thấp. Sau đó, làm thủ tục chuyển nhượng để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn này, bà Trần Uyên Phương bị kết luận giúp sức chiếm đoạt dự án Minh Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh, 29 thửa đất 452 của anh Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông có giá trị là 350 tỷ đồng.
Bà Trần Ngọc Bích bị kết luận giúp sức ông Trần Quý Thanh chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh, có giá trị 600 tỷ đồng.
Trong vụ án này, còn có một số cá nhân môi giới việc vay tiền. Hành vi của những cá nhân này có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho ông Trần Quý Thanh và các con gái.
Tuy nhiên, do họ không biết mục đích của ông Thanh, không biết việc chiếm đoạt tài sản nên cơ quan điều tra xác định hành vi của họ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-tan-hiep-phat-va-cach-thuc-chiem-doat-767-ty-dong.htm