Vụ tạt axit Quận 7, TPHCM: Thêm 1 trường hợp tử vong
Liên quan đến vụ việc tạt axit tại Quận 7 (TPHCM), thêm một trường hợp tử vong.
Ngày 24/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nam (sinh năm 1986, quê Long An) tiên lượng xấu đã tử vong lúc 1 giờ 18 phút ngày 24/5.
Trước đó, tối 23/5, BS.CKI Phạm Phước Tiến, Phó khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình đánh giá, bệnh nhân này phải đặt nội khí quản và thở máy, tiên lượng dè dặt.
Bệnh nhân này được chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi, toan hô hấp, tổn thương thận cấp, phỏng hóa chất 15% độ II mặt, thân, 2 tay, chân phải, mắt phải phỏng kết giác mạc độ II, III.
Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân nam tại khoa Mắt lần lượt sinh năm 1984, 1988, 1990; có 2 bệnh nhân ngụ tại TPHCM và 1 bệnh nhân ngụ tại Đồng Tháp.
BS.CKII Nguyễn Thị Việt Hồng – khoa Mắt – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng lúc 22 giờ 55 phút ngày 22/5.
Đánh giá sáng 24/5, 3 bệnh nhân đều tỉnh. Trong đó, bệnh nhân sinh năm 1984 có tiến triển tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới; bệnh nhân sinh năm 1988 phỏng mắt độ IV, có tiến triển tốt và cần theo dõi thêm. Sau khi xuất hiện phải tái khám để có hướng xử trí kịp thời vì phỏng độ IV có khả năng mất thị lực.
“Riêng trường hợp bệnh nhân sinh năm 1990, đánh giá phỏng độ II, đang được theo dõi và nhỏ thuốc. Tuy nhiên, tổn thương phỏng ở tay phải và ngực phải chuyển biến nặng hơn. Hiện khoa Mắt đã hội chẩn khoa Phỏng để cho ý kiến điều trị”, BS Hồng cho hay.
Như Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, trước đó, tối 22/5, một nhóm người nhậu tại dãy trọ tại hẻm đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, TPHCM). Tiếp đó, một nam thanh niên rời bàn nhậu và quay trở lại, cầm ca chứa axit tạt vào nhóm người đang nhậu, khiến 1 người tử vong và 7 người bị thương.
Sáng 23/5, lực lượng chức năng đã bắt giữ nghi phạm. Hiện, Công an Quận 7 phối hợp với Công an TPHCM lấy lời khai, làm rõ vụ việc. Như vậy, liên quan đến vụ tạt axit Quận 7, đã có 2 người tử vong.
Đối với trường hợp mắt bị phỏng hóa chất, cần rửa mắt sau khi phỏng cần với bất kỳ nước sạch nào tại hiện trường, tiếp đó chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa để có hướng xử trí phù hợp.
Trường hợp da bị phỏng hóa chất, cần rửa vết phỏng dưới nước lạnh từ 15 đến 30 phút, sau đó vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu vết phỏng và chuyển tuyến đến đơn vị điều trị chuyên khoa.