Vụ thảm án khiến 4 người thương vong ở Quảng Ngãi: hung thủ có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất

Luật sư cho rằng, ngoài việc phải xử lý nghiêm minh với đối tượng gây án thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp...

Nghi phạm Lê Đình Thiết đã thừa nhận hành vi tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Nghi phạm Lê Đình Thiết đã thừa nhận hành vi tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Nguyên nhân từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai

Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị này đã có kết quả điều tra ban đầu vụ án mạng xảy ra tại xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định, do xuất phát từ mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai giữa gia đình Lê Đình Thiết (SN 1967, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đối tượng gây án) và gia đình anh Lê Hồng T (gia đình bị sát hại) từ trước nên Thiết có ý định báo thù.

Ngày 18/6, Thiết từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TP Quảng Ngãi chuẩn bị sẵn 1 con dao. Đến 21h cùng ngày, Lê Đình Thiết đột nhập vào vườn nhà anh Lê Hồng T, sau đó ẩn nấp trong vườn chờ đến sáng hôm sau gây án. Theo đó, vào khoảng 6h ngày 19/6, trên địa bàn thôn 4, xã Nghĩa Dõng, xảy ra vụ án mạng khiến 4 người (2 vợ chồng và 2 con nhỏ) trong gia đình thương vong.

Các nạn nhân gồm: anh Lê Hồng T (SN 1974) và vợ là chị Phạm Thị P (SN 1982) đã tử vong; 2 con nhỏ Lê Hồng Như Y (SN 2018), Lê Hồng Châu N (SN 2020) bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Nghi phạm được xác định là Lê Đình Thiết. Sau khi gây án, đối tượng bị lực lượng chức năng và người dân bắt giữ khi đang lẩn trốn sau vườn. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Cần làm tốt công tác hòa giải cơ sở

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc này đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, do ích kỷ cao độ, muốn tranh giành tài sản với người khác nên đã ra tay sát hại các nạn nhân. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến tâm lý và hành vi phạm tội, làm rõ hậu quả mà đối tượng đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân nhưng đối tượng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả nạn nhân tử vong xảy ra để thỏa mãn sự thù tức, lòng tham và sự ích kỷ.

Đồng thời, đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm tác động vào những vùng trọng yếu của nạn nhân khiến hai nạn nhân tử vong, hai cháu bé bị thương tích nghiêm trọng thì có đủ căn cứ để xử lý đối tượng Lê Đình Thiết về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: hành vi có tính chất côn đồ, giết từ 2 người trở lên, phạm tội với người dưới 16 tuổi… Vì vậy, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng Lê Đình Thiết phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội “Giết người” là tử hình.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của đối tượng, lời khai của người làm chứng, thu thập các dấu vết trên hiện trường để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, xác định hậu quả mà đối tượng này đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Sau khi có những thông tin quan trọng như xác định danh tính, khả năng nhận thức, hành vi của đối tượng và hậu quả ban đầu như trên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Lê Đình Thiết về tội “Giết người”" - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, khi những vụ việc tranh chấp dân sự trở thành những vụ án mạng thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan đến công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp. Trường hợp xác định đã có những hành vi thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc thụ lý giải quyết tranh chấp, trong việc hòa giải cơ sở, hòa giải đối thoại vụ việc dân sự thì cần phải xem xét rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm minh để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-tham-an-khien-4-nguoi-thuong-vong-o-quang-ngai-hung-thu-co-the-doi-dien-voi-khung-hinh-phat-cao-nhat-385150.html