Vụ thâu tóm 'đất vàng': Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong được hưởng khoan hồng
Sáng nay (22/8), phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác trong vụ án thâu tóm 'đất vàng' xảy ra ở địa phương này bước sang ngày làm việc thứ tám, tiếp tục được diễn ra ở phần tranh tụng.
Trong phiên tòa sáng nay, khi bào chữa cho mình trước HĐXX, bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng án tù VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt đối với mình “quá nặng”. Bị cáo xin mức hình phạt nhẹ nhất để “có thể về với gia đình, xã hội”.
Trước đó, bị cáo Trần Thanh Liêm bị Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt mức án từ 9 – 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cụ thể, năm 2017, bị cáo Liêm với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đồng ý để Công ty SX – XNK chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh là Công ty Tân Phú, thực chất là chuyển nhượng 43ha đất. Việc này gây thất thoát hơn 984 tỷ đồng.
Cùng năm, ông Liêm ký quyết định số 3468, đồng ý cho Công ty SX – XNK đưa 145ha đất từ danh mục tài sản đang dùng thành “tài sản chờ thanh lý”. Khu đất do đó không được đưa vào giá trị công ty khi cổ phần hóa. Việc này gây thất thoát 4.030 tỷ đồng.
Trong cả 2 hành vi trên, viện kiểm sát nhận định ông Liêm chỉ có vai trò phụ, giúp sức cho Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Công ty SX - XNK.
Tại tòa, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho rằng tính chất, mức độ hành vi của mình không đến mức phải nhận “án quá nặng”, từ 9 – 10 năm tù như Viện kiểm sát đề nghị.
“Bị cáo không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động của Công ty SX – XNK, không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần hóa có đúng hay không nên để xảy ra sai sót”, bị cáo Liêm phân trần.
Ngoài ra, khi cổ phần hóa, ông Liêm cho hay đã “tin tưởng vào cơ quan chức năng, tham mưu trong quá trình xem xét, đánh giá, giá trị cổ phần”. Trong quá trình cổ phần hóa, Công ty SX – XNk có thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước có thẩm tra và chấp nhận.
Bị cáo Liêm nói thêm, cáo trạng “hoàn toàn không đề cập công văn 367 của Tỉnh ủy về phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Công ty SX – XNK”. Vị này cho rằng, công văn 367 thể hiện ông không “một mình quyết định việc cổ phần hóa” để ký quyết định 3468.
Về sai phạm tại khu 43ha, bị cáo Liêm trình bày đã không biết Công ty SX – XNK bán cổ phần cũng như sang tên khu đất cho chủ sở hữu mới; cáo trạng quy kết bị cáo biết 2 việc này “là không đúng”. Lý do, ông nắm chức Chủ tịch UBND tỉnh còn Công ty SX – XNK thuộc về Tỉnh ủy.
Bị cáo cho hay, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy về việc Công ty SX – XNK bán cổ phần, ông chỉ nghĩ bán xong sẽ lấy tiền đầu tư dự án khác. “Khi đó, Thường trực đều thống nhất như thế chứ không ai nói đến việc chuyển nhượng đất. Công ty SX - XNK thực hiện không đúng với chủ trương của Tỉnh ủy”, bị cáo nói.
Bị cáo Liêm trình bày tiếp, khi “dư luận phản ánh bán đất cho tư nhân”, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập các ban ngành lên để nắm bắt và sau đó UBND tỉnh đã thành lập thanh tra xác minh để có hướng xử lý.
“Trong quá trình đó, Thường trực tỉnh ủy đã rất kiên quyết chỉ đạo Công ty SX - XNK phải khắc phục nhưng quá trình này kéo dài. Lúc đoàn thanh tra xác minh có dấu hiệu vi phạm, tôi đã chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý. Điều này thể hiện, Thường trực và bị cáo đã có thái độ kiên quyết, dứt khoát khi biết Công ty SX - XNK có vi phạm”- ông Liêm cho hay.
Khép lại phần bào chữa của mình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm mong HĐXX xem xét, bị cáo có vi phạm nhưng “không có động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân”. Bị cáo xin: “Được khoan hồng theo pháp luật, cho bị cáo được mức án nhẹ nhất để có cơ hội về với gia đình, về với xã hội”.
Trong phần tranh tụng trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 cho rằng, việc sắp xếp khu đất 145ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý” khi cổ phần hóa doanh nghiệp khi phân loại tài sản là Khu đất 145ha thì Công ty Thẩm định giá Đông Nam và Cty 3/2 có nhận thức khác nhau.
Theo lời khai tại Tòa thì phía Công ty Đông Nam xác định đã phân loại đúng vào mục “Tài sản chờ thanh lý” vì đó là tài sản chờ xử lý khi có ý kiến cấp trên hoặc chủ sở hữu. Còn phía Công ty 3/2 trong đó có bị cáo Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác chỉ nhận thức phân loại tài sản nào giữ lại và loại tài sản nào phải chuyển giao mà không phân loại theo tính chất tài sản được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011.
Rõ ràng Công ty 3/2 đã tư duy theo lối thông thường là: Tổng Công ty liên doanh với Công ty Tân Thành nên khu đất không thể chuyển giao cho Impco; như vậy buộc phải giữ lại để liên doanh, vì Công ty 3/2 đang nắm giữ 30% cổ phần tại Công ty Tân Thành. Song song đó, Công ty Tân Thành đã thanh toán đủ tiền đền bù đất nên không thể tính giá trị khu đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thêm lần nữa, do đó, khi phân loại tài sản Tổng Công ty đã cho Khu đất 145ha vào mục C “Tài sản chờ thanh lý” (loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp).
Về mặt nhận thức: Các bị cáo Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác không có động cơ để làm trái các quy định này. Nguyên nhân của sự sai phạm là sự thiếu hiểu biết pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp, vội vàng và chủ quan.
Khu đất 145ha đã được liên doanh với 2 Công ty Hàn Quốc từ năm 2007 để hình thành nên Công ty Tân Thành xây dựng sân Golf và kinh doanh bất động sản. Vì khó khăn và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 cùng nhiều lý do khách quan khác nên 2 Công ty Hàn Quốc đã rút lui và được thay thế bằng 2 Công ty Hưng Vượng, Phát Triển.
Dự án 145 ha được thực hiện và đã hình thành nên sân Golf Tân Thành rộng 95 ha, còn 50 ha được bố trí thực hiện dự án bất động sản. Năm 2013 khu đất 145ha được cấp Giấy chứng nhận, năm 2016 chuyển Giấy chứng nhận mang tên Công ty Tân Thành. Ngày 07/7/2011 Công ty Tân Thành đã hoàn thành việc thanh toán 276.970.677.016 đồng nên đã thực hiện xong nghĩa vụ theo Điều 4 Hợp đồng liên doanh ngày 12/10/2007 và CV2711/UB-KTTH ngày 08/6/2004 của UBND tỉnh Bình Dương nên Tổng Công ty buộc phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Thành.
Như vậy, bị cáo Minh cùng các bị cáo khác hiểu rằng Công ty 3/2 không còn quyền sử dụng đất tại Khu đất 145ha, mà chỉ có quyền quản lý tài sản nên không thể đưa giá trị quyền sử dụng đất 145ha để tính vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa giai đoạn 2015-2017.
Đối với phần buộc tội của “Tội tham ô tài sản” là chưa thỏa đáng, chưa xem xét và đánh giá trọn vẹn tình hình, diễn biến, bối cảnh dẫn đến không công nhận những sự thật hiển nhiên đóng vai trò xác định cấu thành nên tội danh quy buộc hoặc có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, có cơ sở xác định hai Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển sở hữu hợp pháp 17,33% cổ phần tại Công ty Tân Thành khi sử dụng 5,2 triệu USD mua lại phần góp vốn của 2 Công ty Hàn Quốc nên khi họ bán lại 19% cổ phần cho Tổng Công ty thì sai phạm (nếu có) chỉ trong giới hạn của phần vượt 17,33% mà thôi.