Vụ thiệt hại 1.800 tỉ: VKS đề nghị giảm án cho 1/10 bị cáo
Bảy bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng chỉ có một người được VKS đề nghị giảm án.
Ngày 4-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ án vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), gây thiệt hại hơn 1.800 tỉ đồng.
Cuối giờ chiều 4-11, phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng tại tòa phúc thẩm có bảy bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên, ba bị cáo kêu oan đề nghị hủy án để điều tra lại.
Đại diện VKS cho rằng bị cáo Chuyển, Huy nắm những chức vụ quan trọng trong ngân hàng, chịu trách nhiệm chính trong hoạt động cho vay. Các bị cáo đã bỏ qua hàng loạt quy định pháp luật, thẩm định hồ sơ qua loa, cho vay với giá trị cao hơn nhiều so với giá trị tài sản đảm bảo, không giám sát việc giải ngân… tạo điều kiện cho các bị cáo nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền vay.
Theo VKS, thiệt hại vụ án quá lớn, hơn 1.800 tỉ đồng nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo này.
Nhóm bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS nhận định các bị cáo lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng, thành lập các công ty nhưng thực chất không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Các bị cáo này biết rất rõ khả năng tài chính của công ty không thể hoặc không có khả năng trả nợ, sử dụng các chứng từ, phương án sản xuất, kinh doanh khống để vay tiền và sử dụng tiền vay cho các công ty có nợ xấu trả nợ, dẫn tới các khoản nợ bị quá hạn, mất khả năng thanh toán.
Bị cáo Cao Hoàng Thám giúp sức cho Vưu Minh Tuấn nên phải chịu trách nhiệm hình sự, bồi thường tương ứng mức độ lỗi của bị cáo. Không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo này.
Bị cáo Cường thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng đã nộp 50 triệu cổ phiếu tương đương 500 tỉ đồngđể khắc phục hậu quả. Theo VKS, thực chất tiền vay của VCB đều chuyển cho Cường phục vụ hoạt động Công ty Nam Sông Hậu. Đại diện VCB cho rằng số cổ phiếu này chưa xác định được giá trị thực tế… Do vậy đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cường.
Đối với bị cáo Tú, do được ngân ngân hàng xác nhận khắc phục trên 400 triệu đồng, nên VKS cho rằng đây là tình tiết mới, đề nghị giảm án cho bị cáo này từ bảy năm xuống sáu năm tù.
Hai bị cáo Hùng, Trừng thừa nhận hành vi phạm tội, tại tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nên không có cơ sở xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo này.
Ba bị cáo Bình, Võ Hoàng Thám, Sơn không thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị hủy án sơ thẩm. VKS cho rằng căn cứ vào hồ sơ và các tài liệu, các bị cáo thừa nhận ký khống vào chứng từ không có thật. Tại tòa phúc thẩm các bị cáo thừa nhận hành vi này. CQĐT đối chiếu từng tài liệu, đủ chứng cứ để chứng minh việc buộc tội các bị cáo này là không oan sai.
Các bị cáo kháng cáo đề nghị hủy án vì cho rằng toàn bộ hồ sơ là do ngân hàng đề nghị thực hiện. Tuy nhiên, phía ngân hàng không thừa nhận, chỉ có bị cáo Nghĩa thừa nhận có viết vào hồ sơ nên đã phải chịu hình phạt về hành vi phạm tội này.
Kháng cáo của VCB, VKS cho rằng các thiệt hại của VCB trong vụ án này giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự. Tòa án sơ thẩm xác định các bị cáo bồi thường và thanh toán lãi là đúng quy định.
VCB đề nghị có quyền yêu cầu thi hành án phát mại tài sản để đảm bảo là không có cơ sở. Việc này sau khi bản án có hiệu lực mà VCB phát hiện những người bị thi hành án chưa giao nộp đủ tài sản đảm bảo thì có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, cưỡng chế…
VKS cho biết trong vụ án này có một số cá nhân liên quan và một số doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội đang được các cơ quan tiến hành tố tụng tách ra để tiếp tục xử lý ở giai đoạn 2.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Minh Chuyển được bổ nhiệm chức vụ giám đốc VCB Tây Đô năm 2007. Từ năm 2010 đến 2014, Chuyển đã chỉ đạo cấp dưới mà trực tiếp là Huy (trưởng phòng khách hàng) lập hồ sơ phát vay cho nhóm khách hàng có quan hệ thân quen, không tuân thủ các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các khách hàng trên đảo nợ xấu thành nợ tốt.
Cụ thể, không kiểm tra tính hợp lệ và xác thực của hồ sơ vay, đối tượng được giải ngân, không kiểm tra sử dụng vốn vay, thẩm định qua loa, xếp hạng cao cho khách hàng và đề nghị cấp giới hạn tín dụng không đúng, không đảm bảo… Hậu quả là có 53 hợp đồng tín dụng quá hạn (thuộc sáu nhóm khách hàng Nam Sông Hậu, du lịch Đại Dương, cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương, Trường Nguyên) mà khách hàng mất khả năng thanh toán, không thu hồi được vốn, gây thiệt hại hơn 1.800 tỉ đồng.
PLO sẽ cập nhật thông tin diễn biến tiếp theo.