Vụ thông tin Đường 'Nhuệ' bỏ trốn: Bao lần lộ lọt... 'tội phạm' cao chạy?
Mới đây Bộ Công an đã trả lời việc dư luận cho rằng Đường 'Nhuệ' bỏ trốn trước khi bị khởi tố là do thông tin bị lộ ra ngoài là không có căn cứ. Sở dĩ, dư luận có nghi vấn này bởi trước đó đã có nhiều nghi phạm bỏ trốn trước khi bị 'túm gáy'.
Cử tri một số tỉnh lo lắng trước tình hình tội phạm cho vay lãi nặng, băng nhóm xã hội đen, điển hình là băng nhóm Đường "Nhuệ" ở Thái Bình hoạt động lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị Bộ Công an mở rộng điều tra, làm rõ có hay không việc để lộ thông tin khi Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") bỏ trốn ngay khi có quyết định khởi tố bị can.
Cử tri cũng đề nghị xử lý nghiêm những hành vi câu kết, bao che của các cá nhân có thẩm quyền.
Về việc này, Bộ Công an cho biết, đã chỉ đạo cơ quan thanh tra, làm rõ. "Quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng chưa có tài liệu chứng minh việc lộ lọt thông tin dẫn đến Nguyễn Xuân Đường bỏ trốn ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can", Bộ Công an khẳng định.
Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp, hướng dẫn Công an tỉnh Thái Bình điều tra làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của Đường "Nhuệ” và các cá nhân có liên quan; làm rõ và đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức liên quan câu kết, bao che cho các trường hợp vi phạm (nếu có); kịp thời cung cấp thông tin để cử tri theo dõi, giám sát.
Sở dĩ, nhiều cử tri đưa ra nghi vấn lộ, lọt thông tin khiến nghi phạm bỏ trốn trước khi có lệnh bắt tạm giam, khởi tố bị can là bởi trước đó đã có nhiều vụ tương tự diễn ra. Điều đáng nói, tần suất các vụ như trên diễn ra khá phổ biến ở những vụ có tính chất phức tạp, đối tượng bị khởi tố, bắt giam đều là "cá mật", có "số má".
Đơn cử như vụ Nhật Cường Mobile. Trước khi cơ quan chức năng khởi tố bị can Bùi Quang Huy, ông chủ Nhật Cường Mobile, thì đối tượng đã nhanh chân cao chạy xa bay. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đề nghị Interpol truy nã và được Interpol đưa Huy vào truy nã đỏ. Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam.
Một nhân vật khác hiện nay cũng đang bị truy nã quốc tế gắt gao là cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy (bị truy nã quốc tế từ ngày 31/5/2018). Tội danh bị khởi tố là "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Vũ Đình Duy, tại thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố Duy đã nhanh chân đào tẩu. Hiện cơ quan chức năng cũng chưa xác định được Duy đang ở đâu.
Trước đó, còn phải kể đến vụ án tiêu cực tại Vinashin, Giang Kim Đạt (cựu quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) đã nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài. Tháng 8/2010, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố đồng thời phát lệnh truy nã đối với Đạt. Cơ quan này cũng gửi thông báo truy nã đến Interpol. Năm năm sau, Đạt bị bắt ở Campuchia và dẫn giải về Việt Nam. Sau đó, Đạt đã bị tòa án tuyên mức án tử hình về tội tham ô tài sản.
Đa số những vụ nghi phạm bỏ trốn khi các đối tượng bị bắt thì khó chứng minh được người giúp sức. Tuy nhiên, cũng không phải là không có ngoại lệ như vụ Dương Tự Trọng (SN 1961) - Nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng tổ chức đưa anh trai là Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài khi có lệnh khởi tố.
Chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam), biết được thông tin sẽ bị cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng (khi đó đang làm Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng).
Trong cả quá trình thực hiện kế hoạch giúp anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng với vai trò là người khởi xướng, chủ mưu đã chỉ đạo trực tiếp và gián tiếp người thân tín, đàn em giang hồ theo kế hoạch vạch ra để đưa anh trai trốn sang Campuchia. Trong quá trình từ TP HCM sang Campuchia thất bại trong việc nhập cảnh vào Mỹ, các đối tượng đã liên tục đổi phương tiện nhằm xóa dấu vết của cuộc đào tẩu. Tuy nhiên, đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ. Sau đó, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình, Dương Tự Trọng nhận án 18 năm tù.
Vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC bỏ trốn khi bị khởi tố cũng một phần khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc lọt thông tin.
Tháng 9/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi xác định Thanh bỏ trốn, Bộ Công an đã ra lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can.
Một năm sau, Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan ANĐT Bộ Công an đầu thú. Cơ quan này cho biết đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật. Trong các vụ án được đưa ra xét xử sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên mức án chung thân.
Hiện nay, vẫn còn một số đối tượng bị truy nã mà cơ quan chức năng vẫn chưa bắt về chịu án được. Tuy nhiên, trong số các nghi phạm bỏ trốn hòng tránh việc đối mặt bản án pháp luật nhưng kết quả lại bị "xộ khám" khiến người dân vững tin hơn vào hệ thống thực thi pháp luật. Những vụ như Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh... đã khiến niềm tin trong nhân dân ngày càng tăng lên. Điều đó chứng minh, dù có việc để lộ thông tin, hay tuồn thông tin ra ngoài thì cũng chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không phải lỗi từ cả hệ thống.
Xem thêm video: Lộ diện ổ nhóm bảo kê dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình