Vụ thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Út 'trọc' bác bỏ lời khai của đồng phạm
Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út 'trọc') không đồng ý với những cáo buộc trong cáo trạng và cho rằng một số lời khai của các động phạm trong phiên xét xử buổi sáng là không đúng.
Phủ nhận lời khai của đồng phạm
Chiều 15/12, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 8/2011 - 2/2016), Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), cùng 18 đồng phạm trong vụ đấu thầu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không đồng ý với cáo trạng đã truy tố mình và cũng cho rằng một số lời khai của bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ là cậu ruột), Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh, do Hệ thành lập)... trong buổi sáng nay cũng không đúng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") phủ nhận cáo trạng và lời khai của các đồng phạm
Đồng thời, bị cáo Hệ cũng cho biết, không hoàn toàn nhờ bị cáo Đinh La Thăng giới thiệu với Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long - đơn vị quản lý cao tốc, thuộc Bộ GTVT) để đấu giá thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Liên quan việc lập hồ sơ mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho biết, bản thân chỉ yêu cầu Phạm Văn Diệt tìm hiểu công ty Cửu Long để tham gia đấu giá, cũng như trả đúng giá Công ty Cửu Long đăng báo là 2.004 tỷ đồng, còn không biết bị cáo Diệt làm hồ sơ giả của Công ty Yên Khánh và Khánh An.
Bên cạnh đó, bị cáo Hệ cũng khai đã giao hết hai công ty này cho bị cáo Diệt nên không biết lỗ hay lãi. Tuy nhiên, những vấn đề này đã bị HĐXX phản bác và cho là vô lý.
Tiếp đó, bị cáo Hệ cũng cho rằng mình không chỉ đạo thực hiện hành vi gian dối, mua phần mềm của Công ty Xuân Phi nhằm giấu doanh thu, hay cả việc báo cáo số liệu, thu phí hằng năm...
Cáo trạng xác định, tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vai trò chủ mưu trong việc thực hiện các hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, theo lời khai của các bị cáo là nhân viên các Công ty của Đinh Ngọc Hệ như: Vũ Thị Hoan, Đinh Thị Chung (là cháu của Đinh Ngọc Hệ) và các tài liệu, chứng cứ khác do Cơ quan điều tra thu thập trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định các hành vi kể trên của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, đồng thời, chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho nhà nước về hậu quả đã gây ra.
Tranh luận việc dùng phần mềm để trục lợi
Trong phần trả lời xét hỏi hôm nay, bị cáo Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Xuân Phi (được xác định là đơn vị bán phần mềm cắt giảm doanh thu cho Công ty Yên Khánh) cũng cho rằng nội dung cáo trạng không đúng với một số diễn biến hành vi của bị cáo. Bởi, khi Công ty Yên Khánh đặt vấn đề mua phần mềm thì Hiền chỉ biết đây là phần mềm thu phí chứ không biết Công ty Yên Khánh mua để gian dối, làm giảm doanh thu thu phí.
Bị cáo Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc đơn vị bán phần mềm cắt giảm doanh thu cho Công ty Yên Khánh
"Bị cáo được Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) liên hệ thuê viết phần mềm 3 lần. Lần thứ nhất để phục vụ đổi số seri cho vé. Lần thứ hai là phân tích số liệu từ bị cáo Trần Văn Miền cho nội bộ công ty. Lần ba là đặt hàng để dời số liệu máy chủ, bị cáo chỉ nhận công đoạn xóa số liệu chứ không tham gia bàn bạc, không đưa ra giải pháp giảm doanh thu", bị cáo Hiền trình bày.
Bên cạnh đó, bị cáo Hiền cũng cho biết, bản thân làm kinh doanh, nhận yêu cầu cảm thấy làm được thì làm. Khi người phụ trách viết phần mềm hoàn thành xong có báo lại cho mình còn không biết mục đích vi phạm.
Cũng khai tại tòa, bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (nhân viên phần mềm của Công ty Xuân Phi) thừa nhận các hành vi như trong cáo trạng, nhưng cho rằng không có ý thức viết và cài đặt phần mềm cho Công ty Yên Khánh nhằm che giấu doanh thu thu phí thực tế.
“Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không suy nghĩ gì nhiều”, bị cáo Vân nói.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Miền (Phó giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) khai được giao quản lý trực tiếp trạm thu phí Chợ Đệm, đồng thời, phủ nhận việc thuê Công ty Xuân Phi viết phần mềm can thiệp thu phí mà do Tô Phước Hùng thuê rồi cài đặt. Bị cáo làm theo chỉ đạo của Tô Phước Hùng là sao chép dữ liệu thu phí rồi sau đó xóa đi.
Các bị cáo tại tòa
Theo có trạng, bị cáo Miền được xác định với vai trò là Phó Giám đốc Chi nhánh Long An, kiêm Trạm trưởng Trạm Chợ Đệm, Miền đã nhận chỉ đạo trực tiếp từ Đinh Ngọc Hệ, Tô Phước Hùng, tích cực trong việc liên hệ mua, quản lý, sử dụng phần mềm Xuân Phi để xâm nhập can thiệp cắt giảm doanh thu thu phí, liên hệ Công ty Xuân Phi để xóa dữ liệu thu phí, mua phần mềm in lại vé nên biết rõ động cơ, mục đích của Đinh Ngọc Hệ đồng thời là người trực tiếp báo cáo số liệu tiền thu phí thực tế hàng ngày cho Đinh Ngọc Hệ.
Đồng thời, hàng tháng tổng hợp số liệu doanh thu thu phí đã được cắt giảm, gửi cho Nguyễn Thị Kim Huệ và đốt tiêu hủy một số tài liệu, chứng từ kế toán tại Chi nhánh Long An.
Trong khi đó, bị cáo Hiền biết rõ việc viết, cài đặt, bán phần mềm xâm nhập can thiệp vào phần mềm thu phí do Bộ Giao thông quản lý đề cắt giảm doanh thu thu phí, xóa dữ liệu thu phí, in lại vé thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là trái pháp luật, che giấu doanh thu.
Nguyễn Xuân Hiền trực tiếp trao đổi, bàn bạc với một số bị can khác thuộc Công ty Yên Khánh, đi khảo sát Trạm thu phí, đề ra yêu cầu và chỉ đạo Hoàng Tô Hạnh Vân viết, cài đặt phần mềm theo yêu cầu từ Công ty Yên Khánh. Như vậy, có đủ cơ sở xác định bị can Nguyễn Xuân Hiền đã cố ý thực hiện các hành vi sai phạm, để giúp sức cho Đinh Ngọc Hệ che dấu doanh thu để chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.