Vụ thu quỹ phụ huynh hơn 300 triệu đồng: Sở GD&ĐT Tp.HCM ra công văn chấn chỉnh
Vụ việc lớp học 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, Tp.HCM thu quỹ cha mẹ học sinh hơn 300 triệu đồng gây xôn xao.
Trường trả lại tiền quỹ phụ huynh
Thông tin trên Nhà báo & Công luận, ngày 29/9, phụ huynh lớp 1/2 trường Tiểu học Hồng Hà, phường 17, quận Bình Thạnh cho biết đã được nhà trường mời đến để nhận lại số tiền thu chi sai từ quỹ phụ huynh với hơn 300 triệu đồng. Mỗi phụ huynh đóng đủ tiền quỹ trước đó nhận được gần 9,6 triệu đồng trong tổng số 10 triệu đồng đã đóng (đã trừ đi một số khoản thu chi đúng quy định).
Sau khi nắm bắt được thông tin, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh chỉ đạo Trường Tiểu học Hồng Hà thực hiện phê bình đối với bà Huỳnh Ngọc Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2. Bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường này cũng bị phê bình về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi Quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định.
Theo Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh, ngay khi báo chí phản ánh, dư luận bức xúc, đơn vị này đã chỉ đạo Trường Tiểu học Hồng Hà theo dõi và giám sát việc thực hiện hoàn trả tiền thu - chi sai quy định của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2 và có báo cáo kịp thời về Phòng.
Trả lời báo chí trước đó về vấn đề nghi vấn lạm thu tại Trường tiểu học Hồng Hà, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, Sở GD&ĐT thành phố đã yêu cầu Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh xác minh sự việc và có văn bản báo cáo. Phòng GD&ĐT quận đã yêu cầu Ban Giám hiệu Trường tiểu học Hồng Hà tiến hành họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn thể cha mẹ học sinh lớp 1/2 trong ngày 27/9.
Như đã đưa tin, Trường Tiểu học Hồng Hà tổ chức họp cha mẹ học sinh các lớp Một năm học 2023 - 2024 vào ngày 13/8. Trong phiên họp này, giáo viên chủ nhiệm các lớp, trong đó có lớp 1/2, phụ huynh lớp thống nhất chọn và bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh tạm thời của lớp.
Sau cuộc họp, Ban đại diện cha mẹ học sinh xin ý kiến nhà trường được cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học tại phòng học này trong 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5). Phòng học hiện hữu của lớp sẽ được sửa chữa các hạng mục: làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt, tủ...
Phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện và phụ huynh đồng thuận. Nội dung được sự nhất trí của 29/32 phụ huynh (vắng 3 người).
Sở GD&ĐT công văn chấn chỉnh
Theo báo Người Lao Động, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, vừa ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT, đơn vị giáo dục trực thuộc về việc chấn chỉnh thu - chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh) trong năm học.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM, vừa qua, một số báo chí phản ánh về các khoản thu - chi đầu năm học 2023 - 2024 tại một vài trường học trên địa bàn, gây dư luận không tốt. Sở GD&ĐT Tp.HCM đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định, trong đó lưu ý việc thu - chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024.
Về vận động tài trợ, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT và Công văn 1427/2019 của UBND Tp.HCM về hướng dẫn thực hiện Thông tư 16.
Kế hoạch vận động phải được Sở GD&ĐT Tp.HCM hoặc phòng GD&ĐT theo phân cấp quản lý phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện, trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.
Văn bản của Sở GD&ĐT Tp.HCM về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, cần lưu ý:
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do ban đại diện quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của ban đại diện.
Không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.
Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện; chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất ý kiến (không bao gồm kinh phí tài trợ).
Về các khoản thu theo Nghị quyết 04 của HĐND Tp.HCM, Sở GD&ĐT yêu cầu tất cả các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa theo quy định cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn, không tăng quá 15% so với mức thu đã thực hiện trong năm học 2022-2023.
Trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của cha mẹ học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, phù hợp từng đơn vị trong năm học 2023-2024.
Sở GD&ĐT Tp.HCM đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện và Tp.Thủ Đức phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu ban hành hướng dẫn thu - chi đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý. Các cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, Tp.Thủ Đức chỉ được tổ chức thu các khoản sau khi có công văn hướng dẫn của cấp quản lý về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn theo phân cấp. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 4540 năm 2023 của Sở GD&ĐT về thu học phí, giá dịch vụ và việc thực hiện kê khai giá đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2023-2024.
Trúc Chi (t/h)