Vụ thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: Đẩy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương
Phía thủy điện cho rằng xả lũ đúng quy trình, đã thông báo với địa phương, còn phía lãnh đạo địa phương thì đang... kiểm tra vụ việc, trong khi tài sản của người dân trôi theo dòng nước
Ngày 4-12, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành cùng chính quyền địa phương kiểm tra xác định thiệt hại cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc hàng chục lồng bè nuôi cá của người dân bị nước cuốn trôi.
Làm rõ quy trìnhvận hành
Phóng viên đã liên lạc với ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, được cho biết ông đang đến các khu vực bị ảnh hưởng để kiểm tra vụ việc.
Về thiệt hại của người dân sau khi thủy điện xả lũ, ông Yên nói trước mắt đã chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra quy chế vận hành, thông báo xả lũ của thủy điện có vi phạm hay không; có phải là do thủy điện hay do lũ từ sông Krông Ana đổ về. "Phải đánh giá kỹ, khách quan mới có thể biết được là lỗi chỗ nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần phải xem lại khu vực này có trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản hay không" - ông Yên nói.
Còn ông Hoàng Trung Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, khẳng định về cơ bản thủy điện đã thực hiện đúng quy trình vận hành, xả lũ. Thủy điện Buôn Kuốp ngày nào cũng có thông báo về việc xả lũ. Việc thông báo đến người dân là của địa phương. Địa phương phải có trách nhiệm khuyến cáo người dân.
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Hoan (SN 1966; ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút; một trong những người bị thiệt hại) cho biết sau khi thủy điện xả lũ khiến 20 lồng cá trị giá hơn 5 tỉ đồng bị cuốn trôi, cơ quan chức năng đã vào ghi nhận thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào nhận trách nhiệm, trong khi gia đình không nhận được thông báo nhà máy thủy điện xả lũ.
"Tháng 6-2017, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho tôi. Ngành nghề kinh doanh là nuôi trồng thủy sản, mua bán cá giống, địa điểm kinh doanh sát rẫy của gia đình tôi. Chúng tôi nuôi trồng thủy sản hợp pháp, được cơ quan chức năng công nhận. Do vậy, tôi yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và bồi thường toàn bộ thiệt hại" - bà Hoan nói.
Còn chủ quan, sai sót
Ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp, cho rằng thông qua bài viết của Báo Người Lao Động, công ty thấy rằng thiệt hại của người dân là rất lớn. Khu vực người dân nuôi thủy sản bị cuốn trôi trên đoạn sông 10 km từ đập tràn đến nhà máy phát điện. Về mùa nắng, đoạn sông này chỉ được xả 10 m3/giây/12 giờ trong ngày. Mùa mưa thì không xả nhưng nước từ các con suối chảy ra cũng tương đương.
Cũng theo ông Khánh, hồ thủy điện Buôn Kuốp có dung tích rất nhỏ, chỉ 14 triệu m3. Do đó, trong quy trình vận hành liên hồ chứa cho phép hồ này xả lũ cân bằng với lưu lượng nước về. Trước cơn lũ, ngày 30-11, đơn vị đã phát hành văn bản thông tin về tình hình điều tiết lũ gửi cho 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và cả huyện Cư Jút để cảnh báo người dân. Các ngày tiếp theo, đơn vị đều có văn bản thông tin theo quy trình.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng một vấn đề mà công ty không biết được là ở dưới vùng thoát lũ, trong đoạn sông 10 km, người dân đang nuôi trồng thủy sản. Vào tháng 8 và tháng 10-2020, công ty đã có 2 văn bản cảnh báo, đề nghị địa phương tuyên truyền người dân thu dọn tài sản trên sông.
"Không hiểu sao các văn bản công ty phát hành, gửi tới các cơ quan chức năng nhưng người dân không nhận được để chủ động thu hoạch, di dời tài sản, làm xảy ra thiệt hại rất lớn, rất đáng tiếc" - ông Khánh nói.